Một trong những mục tiêu sau đại dịch của TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương là khẩn trương xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp, trong đó TP.HCM có kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ. Qua những đợt bùng phát dịch chúng ta nên nhìn lại cần có chính sách riêng cho nhà ở công nhân…
Những tác động của dịch COVID đã thể hiện rất rõ trong bức tranh kinh tế của các tỉnh, thành này. Trong 9 tháng đầu năm, tại TP.HCM, GRDP giảm 4,98% và tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 17,4% so với cùng kỳ. Đồng Nai và Bình Dương hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng chậm.
Chính phủ cần xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Qua đó, giúp các địa phương có nguồn lực phục hồi kinh tế, bởi đây là những nơi bị dịch bệnh tàn phá nặng nề nhất. Đồng thời, đây là những tỉnh, thành trọng điểm về phát triển khu công nghiệp có năng suất lao động cao nhất, đóng góp lớn cho kinh tế, ngân sách của đất nước.
Hàng triệu lao động đã rời khỏi TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Ngoài thiệt hại kinh tế, các tỉnh, thành này còn chịu tổn thương nặng nề về sức khỏe, tinh thần của người dân và thương hiệu địa phương. Số đông lao động di cư từ quê đến thành phố đang ở trong khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp, san sát nhau, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao.
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình để UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2021, 2022. Kế hoạch này Sở Xây dựng đã lấy ý kiến và nhận được góp ý của 12/12 sở, ngành và 20/22 UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Giai đoạn 2016 – 2020, diện tích sàn nhà ở tại TP.HCM tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn. Trong đó, nhà dân tự xây đóng vai trò chủ đạo khi tăng 38,5 triệu m2 sàn. Nhà ở thương mại và nhà ở xã hội (NƠXH) lần lượt tăng 13,98 triệu m2 sàn và 1,23 triệu m2 sàn.
Giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM phấn đấu hoàn thành các chương trình mục tiêu như: Di dời nhà ở trên và ven kênh rạch; xây dựng mới các chung cư hư hỏng, xuống cấp; nâng cấp các khu dân cư hiện hữu góp phần chỉnh trang đô thị; xây dựng và phát triển các khu đô thị mới… Theo tính toán của Sở Xây dựng TP.HCM, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đến năm 2025 là 23,5m2/người. Để đạt được chỉ tiêu này, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại từng khu vực phải đạt từ 23,9m2/người đến 25,6m2/người. Đồng thời, diện tích tối thiểu của các loại hình nhà ở; gồm nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình tự xây, nhà ở tại dự án và NƠXH lần lượt tăng 31,98 triệu m2, 15,52 triệu m2 và 2,5 triệu m2.
Tại hội nghị báo cáo kết quả công tác thanh tra 10 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm và dự kiến kế hoạch năm 2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng diễn ra ngày 3/11, Bộ Xây dựng cho biết, một trong hai chuyên đề lớn Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tổ chức thực hiện trong năm 2022 là việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đồng ý giao Thanh tra Bộ thanh tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, trong đó chú trọng đối với nhà ở công nhân và thanh tra diện rộng về công tác quản lý, đồng thời thanh tra việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư tại một số địa phương trên toàn quốc có nhiều đơn thư khiếu nại của cư dân.
Trong đó, thanh tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thanh tra chuyên ngành năm 2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)