Việc mở cửa kinh tế cũng mang đến những tín hiệu lạc quan cho toàn thị trường bất động sản phía Nam. Trên đà hồi phục chung của thị trường, không riêng gì TP.HCM mà các tỉnh thành lân cận cũng ghi nhận những đợt sóng quan tâm về nhà đất…
Thị trường giờ đây không còn làn sóng mua đi bán lại ồ ạt như trước mà chuyển qua xu hướng đầu tư thông minh và sàng lọc kỹ lưỡng hơn. Nhà đầu tư sẽ lựa chọn những dự án được đầu tư bài bản, quy hoạch chỉn chu, thể hiện tâm huyết lớn của chủ đầu tư khi chú trọng vào chất lượng thật của từng sản phẩm.
Sau biến cố đại dịch Covid-19, nhiều người nhận ra việc để dòng tiền đứng yên, hay đầu tư vào các lĩnh vực khác tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với bất động sản. Trong đó, nhu cầu sở hữu một bất động sản thứ 2 làm nơi tránh dịch đang tác động không nhỏ đến thị trường. Cũng theo chuyên gia, việc thị trường bị nén quá lâu đã khiến các nhà đầu tư bức bí, có tiền nhưng không thể tìm được nơi đầu tư. Điều này lý giải tại sao trong những ngày toàn miền Nam được nới lỏng sau giai đoạn kìm hãm vì dịch Covid-19, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục trở lại nhanh chóng.
Ghi nhận vào những tuần đầu nới lỏng việc đi lại, nhiều phòng công chứng ở các thị trường giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… đều có mức độ quan tâm, giao dịch mua bán tìm hiểu thị trường tăng lên đáng kể. Chỉ trong vài tuần qua, nhiều địa phương ghi nhận nhu cầu đi xem đất, thực hiện các thủ tục công chứng mua bán, nộp hồ sơ sang tên trở nên nhộn nhịp hơn.
Riêng về nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021. Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tính đến ngày 20/10, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 15,15 tỷ USD.
Hiện nay, Đồng Nai và các tỉnh, thành phía Nam đã tiến hành mở cửa trở lại trạng thái “bình thường mới”. Các DN trên lĩnh vực BĐS cũng bắt đầu khôi phục hoạt động. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của lĩnh vực này tùy thuộc rất lớn vào tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 ngoài cộng đồng và khống chế dịch bệnh. Nếu tốc độ tiêm vaccine nhanh, các tỉnh, thành sớm trở thành vùng xanh (nguy cơ thấp) thì sau 1,5-2 năm, ngành BĐS sẽ phục hồi và sau đó có thể trở lại giai đoạn hoàng kim như các năm 2018, 2019. Trước việc thị trường khan hiếm khiến giá nhà, đất bị đẩy “tăng nóng”, việc hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong thời điểm này để giúp doanh nghiệp hồi phục sẽ là đòn bẩy tích cực nhằm hồi phục thị trường, giúp “hạ sốt” giá nhà đất.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội kéo dài tại TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam khiến cả nguồn cung lẫn sức cầu gần như rơi vào trạng thái ngủ đông. Sau kỳ “ngủ đông”, nguồn cung của thị trường bất động sản đã và đang bắt đầu sôi động từng ngày. Tuy nhiên, công tác triển khai bán hàng trong trạng thái “bình thường mới” cũng là điều đáng quan tâm khi doanh nghiệp không thể tổ chức được các sự kiện mở bán như trước.
Theo số liệu từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn cung mới trên thị trường đạt trên 165.700 sản phẩm, nhưng lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 61.800 sản phẩm, chiếm khoảng 37% tổng nguồn cung. Riêng quý III/2021 lượng cung sản phẩm trên thị trường thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Thị trường BĐS tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có nguồn cung 3.516 sản phẩm, giao dịch 2.724 sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp BĐS phía Nam đã bắt đầu như: Vinhome, Nova, Nam Long Tập đoàn An Gia, Trần Anh Group, Thắng Lợi Group, Phú Đông Group… cũng cho biết sẽ có dự án BĐS tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và sẽ mở bán vào cuối năm nay khi kinh tế mở cửa, dịch được kiểm soát.
Mặc dù nguồn cung đang được cải thiện, thị trường BĐS đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia BĐS, rất khó để kỳ vọng vào kịch bản “màu hồng” trong 3 tháng cuối năm 2021, đặc biệt là khu vực phía Nam, dù các hoạt động “bình thường mới” trùng vào mùa cao điểm bán hàng cuối năm.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)