Nếu chỉ nhìn vào báo cáo tài chính của một doanh nghiệp bất động sản và thấy con số hàng tồn kho là cả ngàn tỷ đồng, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên trong trường hợp xấu sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung…
Lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên trong trường hợp xấu sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Song, trong thời điểm hiện nay, đó không phải là tồn kho, mà chỉ là sản phẩm chưa bán hoặc đang trong quá trình chuẩn bị tung ra thị trường của các doanh nghiệp địa ốc.
Một thực tế trên thị trường hiện nay là nguồn cung các dự án bất động sản mới ngày càng ít, những sản phẩm tốt, được phát triển bởi những doanh nghiệp uy tín vẫn luôn được nhà đầu tư săn đón.
Tính đến 30/9/2021, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long ghi nhận giá trị tổng tài sản là 24.116 tỷ đồng, tăng 77% so với đầu năm. Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho ở mức rất cao với 17.654 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với hồi đầu năm 2021. Trong đó tập trung lớn nhất là ở các dự án: Izumi, Southgate, Akari, Paragon Đại Phước và Waterpoint.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của Tập đoàn Đất Xanh cho thấy, hàng tồn kho của Đất Xanh ghi nhận 11.141 tỷ đồng, tăng 9%. Chiếm phần lớn là 10.212 tỷ đồng bất động sản dở dang phân bổ tại các dự án: Gem Riverside (1.563 tỷ đồng), Gem Sky World (3.302 tỷ đồng), La Maison (555 tỷ đồng), Phố Mơ (383 tỷ đồng)…
Đất Xanh cũng đã đẩy hết tồn kho bất động sản dở dang 1.199 tỷ đồng của dự án Opal Boulevard, thay vào đó là ghi nhận thêm 118 tỷ đồng tồn kho bất động sản thành phẩm từ dự án này. Về khoản tồn kho thành phẩm, trong kỳ Công ty cũng ghi nhận thêm 102 tỷ đồng từ Dự án Gem Sky World và 109 tỷ đồng từ Dự án Khu dân cư Yên Thanh, bên cạnh các dự án An Viên, Sunview, Luxgarden hay Khu dân cư nút giao thông Phó Đức Chính và Ngô Quyền có tồn kho giữ nguyên so với giá trị đầu năm. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại thời điểm 30/9 là 645,6 tỷ đồng, không tăng so với con số 645,3 tỷ đồng đầu năm, bao gồm chi phí tại Dự án Opal Tower, Dự án Sân Golf và khu biệt thự sinh thái, cùng chi phí dự án khác.
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt ghi nhận doanh thu tăng nhẹ không đáng kể so với năm ngoái, tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm, nên lợi nhuận gộp tăng gấp đôi đạt 790,6 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng gấp 3 lần nhờ đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận 502 tỷ đồng, tăng 81% so với năm ngoái. Hàng tồn kho của PDR tăng mạnh từ con số 9.331 tỷ đồng đầu năm lên 12.016 tỷ đồng tính đến thời điểm cuối tháng 6, chiếm 64% tổng tài sản. Hàng tồn kho hiện chủ yếu ở các dự án: The Everich 2, The Everich 3, Tropicana Bến Thành Long Hải, Bình Dương Tower, Nhơn Hội – Bình Định, Astral City Bình Dương.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia, tổng tài sản cuối quý III ghi nhận xấp xỉ 11.830 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 7.221 tỷ đồng, tương ứng 61% tổng giá trị tài sản và tăng khoảng 26% so với đầu năm. Trong kỳ, Công ty cũng ghi nhận thêm 1.097 tỷ đồng tồn kho tại Dự án The Standard.
Báo cáo tài chính quý 3.2021 của Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cenland) cũng cho thấy hàng tồn kho tăng mạnh từ 32 tỉ đồng lên 1.053 tỉ đồng, chủ yếu là hàng hóa bất động sản gồm các căn hộ, đất nền công ty mua từ chủ đầu tư để kinh doanh bán lại. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, do tồn kho tăng mạnh nên dòng tiền kinh doanh trong 9 tháng đầu năm của Cenland âm 1.019 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm 10 tỉ đồng. Về nguồn vốn, nợ phải trả của Cenland tăng 78% so với hồi đầu năm, ở mức 3.144 tỉ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm 71% tổng dư nợ.
Hàng tồn kho của Novaland chiếm 58% tổng giá trị tài sản, tương ứng 106.858 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khác cũng có tồn kho tăng như DRH Holding, Khải Hoàn Land, Nhà Khang Điền…
Tồn kho bất động sản của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán bao gồm tồn kho thành phẩm và tồn kho bán thành phẩm. Tồn kho thành phẩm là sản phẩm đã hoàn thiện như căn hộ, nhà ở đưa ra thị trường nhưng không được giao dịch, làm mất tính thanh khoản của doanh nghiệp, trở thành cục nợ có thể dẫn đến nguy cơ phá sản nếu không thể biến lượng hàng tồn thành tiền.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)