Lãnh đạo HoREA đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng vào dự thảo đề cương. Đề xuất này theo ông Châu để thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền 2012 và Nghị định 116 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền.
Chủ tịch HoREA cũng đề nghị bổ sung quy định về loại bất động sản đưa vào kinh doanh là công trình xây dựng có chức năng lưu trú, không sử dụng cách liệt kê “căn hộ du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú” để đảm bảo tính khái quát, bao quát của quy phạm pháp luật. Lãnh đạo HoREA nhận thấy quy định về công trình xây dựng đưa vào kinh doanh của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 phù hợp với Khoản 1 Điều 104 Luật Đất đai 2013 quy định về “Tài sản gắn liền với đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác”, nhưng chưa quy định công trình xây dựng có chức năng lưu trú đưa vào kinh doanh.
Theo ông Châu, đối với các công trình xây dựng có chức năng lưu trú như căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), căn hộ dịch vụ (serviced apartment)… nằm trong tòa nhà chung cư hỗn hợp đã được điều chỉnh, quản lý theo quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Nghị định 01/2017/NĐ-CP. Hơn nữa, Luật Nhà ở 2014 đã quy định cụ thể về phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung; về bảo hành, bảo trì công trình xây dựng; về quản lý vận hành tòa nhà; về quyền sử dụng đất chung không thể phân chia và Thông tư 03/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, trong đó có condotel, officetel nằm trong tòa nhà chung cư hỗn hợp.
Đối với các công trình xây dựng có chức năng lưu trú như condotel, officetel, serviced apartment, hometel… nằm trong tòa nhà độc lập, khu nhà độc lập xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ thì chưa có đầy đủ các quy định pháp luật để điều chỉnh. Ví dụ như tòa nhà condotel trong khu du lịch nghỉ dưỡng, tòa nhà officetel, tòa nhà serviced apartment nằm trong khu vực đô thị.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HoREA cho rằng đề xuất chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch là không phù hợp với các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng của pháp luật về dân sự, về đầu tư, về thương mại, xâm phạm quyền tự chủ kinh doanh của chủ đầu tư. Hơn nữa, đề xuất này tạo cho các sàn được “đắc lợi”, “tay không bắt giặc” khi không bỏ vốn đầu tư nhưng lại được đặc quyền bán 80% sản phẩm của dự án.
Góp ý đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Bộ Xây dựng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), bày tỏ quan ngại về một số nội dung đề xuất chưa thật đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, ông Châu cho biết Điều 14 của đề cương dự kiến bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Theo ông Châu, đây là đề xuất mang bước thụt lùi, không phù hợp với các quy định hiện hành và cũng không sát với thực tiễn, có thể sinh ra “đặc quyền, đặc lợi” cho các sàn giao dịch bất động sản; vi phạm quyền tự chủ kinh doanh của các chủ đầu tư dự án và sẽ làm tăng thêm giá bán nhà. Chủ tịch HoREA cho hay Luật Kinh doanh bất động sản 2006 đã từng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, quy định này đã được bãi bỏ trong Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Ông Châu cũng chỉ ra một số bất cập của quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)