Khủng hoảng năng lượng toàn cầu, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn,… là những yếu tố đang tạo ra áp lực rất lớn cho lạm phát trong năm tới. Áp lực lạm phát năm 2022 “căng như dây đàn” dòng tiền biến động bất động sản, chứng khoán có hình thành bong bóng?
Trong gần hai năm đại dịch COVID-19, trong khi các hoạt động sản xuất kinh doanh và cả dịch vụ bị đình trệ thì thị trường chứng khoán và bất động sản lại có nhiều “cơn sốt”. Các chỉ số chứng khoán liên tục tạo đỉnh mới với số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường tăng vọt. Giá đất nhiều nơi tăng cao, các cơn sốt đất vùng ven, khu công nghiệp,… diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Giải thích cho sự tăng nóng của chứng khoán và bất động sản trong thời gian qua các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là lãi suất tiền gửi đã ở mức rất thấp trong khi việc đầu tư mới hay mở rộng kinh doanh rất hạn chế khiến tiền nhàn rỗi đi vào các kênh rủi ro hơn. Trong năm 2022, để vực dậy nền kinh tế, Chính phủ sẽ phải tung ra các gói hỗ trợ để kích thích tăng trưởng.
Trong cuộc họp điều hành giá và kiểm soát lạm phát quý III, kịch bản điều hành giá quý IV/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết với các diễn biến mặt bằng giá từ đầu năm đến nay, lạm phát năm 2021 sẽ đảm bảo trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, điều đáng ngại là những áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn.
Theo Bộ Tài chính, từ việc đánh giá áp lực lạm phát tăng cao từ đầu năm 2022, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu do Quốc hội đặt ra (tiếp tục ở mức khoảng 4%) sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn. Nhiều dự báo của các cơ quan chuyên môn nhận định CPI năm 2022 có thể vượt mức 4% nếu diễn biến chung trên thị trường nhiều bất lợi, nhất là nếu khủng hoảng năng lượng tiếp tục leo thang.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng trong năm 2022, sức bật sản xuất, nhu cầu tiêu dùng, cộng với lượng cung tiền mạnh hơn thông qua việc thực hiện các biện pháp kích thích, hỗ trợ bằng tài khóa, tiền tệ sẽ tạo áp lực lớn cho việc kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, chuyên gia dự báo lạm phát năm sau sẽ nhích lên khoảng 3,3 – 3,6%, nguyên nhân là kinh tế Việt Nam phục hồi chậm hơn so với một số nước trên thế giới.
Nói về sức ép tăng giá hiện nay, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cũng cảnh báo về vòng luẩn quẩn mà nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào đó là tăng trưởng thấp, thâm hụt tài khóa (do phải chi nhiều, giảm thu), lạm phát cao (do phải tăng cung tiền để thích ứng), đình trệ sản xuất, hệ thống tài chính suy yếu,…
Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 với quy mô lên tới 800.000 tỷ đồng (gần 35 tỷ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ năm 2021. Nguồn vốn dồi dào giá rẻ trong khi những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn đó có thể khiến dòng tín dụng đổ vào các kênh đầu tư như nhà đất, chứng khoán, vàng,… như những gì đã xảy ra tại gói kích thích kinh tế năm 2009. “Việc tung ra nhiều gói hỗ trợ khi ngân sách còn hạn hẹp, nợ xấu tiềm ẩn tăng, áp lực lạm phát tăng… Trong khi nền kinh tế có dấu hiệu lỡ nhịp, tụt hậu trong quá trình phục hồi là những rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt trong thời gian tới”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn,… là những yếu tố đang tạo ra áp lực rất lớn cho lạm phát trong năm tới. Trong vòng 12 tháng qua, giá dầu đã tăng gấp đôi. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa có dấu hiệu dịu xuống. Nhiều chuyên gia dự báo đà tăng của giá năng lượng sẽ kéo dài đến hết năm nay bởi nguồn cung vẫn chưa thể theo kịp nhu cầu.
Ở thị trường trong nước, giá xăng đã tăng gần 1.500 đồng/lít trong lần điều chỉnh mới đây lên ngưỡng cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Giá xăng cùng với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng tạo áp lực tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ. Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), nhận định: Việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022 sẽ chịu áp lực rất lớn, thậm chí “căng như dây đàn” do nhiều mặt hàng trong nước như giá điện, giá dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế sẽ được điều chỉnh tăng, do đã giảm hoặc không tăng trong năm nay, đồng thời giá nguyên liệu, xăng dầu thế giới tiếp tục tăng.
GSO dự báo lạm phát trong năm 2021 có thể được kiểm soát trong mục tiêu dưới 4%, tuy nhiên, năm 2022 lạm phát sẽ nhích lên và áp lực kiểm soát không hề nhỏ.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)