Khái niệm nợ tiềm ẩn hay nợ tiềm tàng (contingent liability) đã được định nghĩa rõ ràng trong hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 18. Báo cáo kết quả kinh doanh quý III cho thấy chỉ tiêu ngoại bảng vẫn, ngân hàng MB còn gần 125.806 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn…
Vậy nợ tiềm ẩn là gì? có ảnh hưởng đến tình hình ngân hàng?
Nợ tiềm tàng là nghĩa vụ nợ có khả năng phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra và sự tồn tại của nghĩa vụ nợ này sẽ chỉ được xác nhận bởi khả năng hay xảy ra hoặc không hay xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn trong tương lai mà doanh nghiệp không kiểm soát được. Hoặc nghĩa vụ nợ hiện tại phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra nhưng chưa được ghi nhận vì không chắc chắn có sự giảm sút về lợi ích kinh tế do việc phải thanh toán nghĩa vụ nợ hoặc giá trị của nghĩa vụ nợ đó không được xác định một cách đáng tin cậy.
Trừ khi xảy ra giảm sút lợi ích của doanh nghiệp và ngân hàng phải trả thay thì ngân hàng phải trích lập dự phòng cho nghĩa vụ trả thay nói trên. Đồng thời, khoản dự phòng này phải được đưa vào nội bảng do chúng làm sụt giảm thu nhập ngân hàng.
Nói theo định nghĩa của Chuẩn mực kế toán là như vậy, nhưng chúng ta có thể hiểu các chỉ tiêu ngoại bảng trong báo cáo tài chính của ngân hàng là các cam kết giao dịch hối đoái và nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Các cam kết giao dịch hối đoái chủ yếu là các hợp đồng phái sinh nên rủi ro thấp. Còn nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác. Cam kết bảo lãnh vay vốn thì nhiều rủi ro hơn các nhiệp vụ L/C, nhưng lại thường chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C lại có rủi ro thấp nhất và cam kết trong bảo lãnh khác nhiều rủi ro hơn L/C.
Theo Thông tư 02/2013-NHNN quy định đối với các cam kết ngoại bảng, các ngân hàng thương mại chỉ thực hiện phân loại nợ để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng, không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. Ngân hàng chỉ phải trích lập dự phòng khi rủi ro xảy ra. Điều này càng làm gia tăng các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của các ngân hàng. Chính vì vậy, khi đánh giá rủi ro của một ngân hàng chúng ta cũng nên xem xét thêm phần chỉ tiêu ngoại bảng của ngân hàng đó nữa.
Rủi ro lớn nhất đối với các nhà băng không chỉ nằm ở số nợ xấu có thể “nhìn thấy” trên bảng cân đối kế toán, mà ở chính các khoản nợ tiềm ẩn (nợ tiềm tàng). Với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, rất nhiều khoản mục như cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác… sẽ có thể mang lại rất nhiều rủi ro.
Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của MB tăng 10% so với đầu năm
9 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) báo lãi trước thuế tăng 46% so với cùng kỳ, lên gần 11.885 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 9.519 tỷ đồng, tăng 44%. Dù lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng song chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng mới là yếu tố then chốt đối với mỗi nhà băng. Tuy tín dụng tăng, tổng nợ xấu giảm nhẹ 2% đưa tỉ lệ nợ xấu xuống còn 0,95% tổng dư nợ, song chỉ tiêu ngoại bảng vẫn cho thấy, ngân hàng MB còn gần 125.806 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, tăng 10% so với đầu năm, trong khi các nhóm nợ 2,3,4 có xu hướng tăng đáng kể.
Tại ngày 30/09/2021, tổng nợ xấu tại MB cải thiện hơn so với đầu năm, giảm nhẹ 2%, chỉ còn 3.186 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,09% của đầu năm xuống còn 0,95%. Tuy nhiên, con số này cần được đánh giá cẩn trọng hơn, bởi xét về cơ cấu, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của MB giảm 38% xuống còn hơn 853 tỷ đồng nhưng nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) lại có xu hướng tăng đáng kể 37% so với đầu năm, lên hơn 1.220 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 14% lên 1.112 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, nợ quá hạn (nợ nhóm 2 – với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) lại bất ngờ tăng vọt 53% so với đầu năm, ghi nhận hơn 3.709 tỷ đồng. Có thể thấy, nợ nhóm 2, nhóm 3 tăng mạnh lên rất có thể xuất phát từ việc các khách hàng của MB gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã bắt đầu tăng lên. Tính đến 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt 555.595 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng gần 13% lên hơn 336.426 tỷ đồng. Về dự phòng rủi ro cho vay khách hàng, tại thời điểm 30/9/2021, MB có trích lập 7.418 tỷ đồng, tăng 70,4% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý dự phòng cụ thể bất ngờ tăng vọt 130%, đạt gần 5.064 tỷ đồng. Con số này chứng tỏ MB đã trích lập dự phòng rủi ro cụ thế rất mạnh.
Việc tăng tổng tài sản, tăng dư nợ tín dụng của MB vẫn chưa thực sự hiệu quả cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các nhóm nợ xấu đang có xu hướng tăng đáng kể. Điển hình là các khoản nợ tiềm ẩn tại MB nằm ngoài bảng cân đối kế toán ghi nhận gần 125.806 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C tăng 41%, bảo lãnh vay vốn tăng nhẹ 2%,… Các khoản nợ này được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng… Tuy chỉ nằm ở ngoại bảng và chưa được coi là nợ xấu, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát kéo dài hơn 2 năm qua doanh nghiệp khó khăn sẽ có thể trở thành các khoản nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)