Kết quả kinh doanh của BIDV suy giảm trong quý III nhưng tính 9 tháng vẫn tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế ngân hàng quý III cũng suy giảm đáng kể trong báo cáo tài chính thêm vào đó nợ dưới tiêu chuẩn và nợ khả năng mất vốn tăng…
Theo thuyết minh, chi phí hoạt động của ngân hàng trong quý III tăng 29% lên gần 5.071 tỷ đồng (quý III/2020 là 3.931 tỷ đồng). Đây được cho là một trong những lý do khiến cho lợi nhuận quý III năm nay của BIDV suy giảm so với cùng kỳ 2020. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng của ngân hàng tăng mạnh hơn 30% cũng tác động đến lợi nhuận.
Đến 30/9, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn tăng khá mạnh dù tổng nợ xấu gần như không thay đổi so với đầu năm. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 2.382 tỷ đồng lên gần 4.404 tỷ đồng (tăng gần 84,9%). Nợ nghi ngờ mất vốn tăng từ 2.462 tỷ đồng lên 3.148 tỷ đồng (tăng 27,8%). Riêng nợ có khả năng mất vốn giảm từ 16.525 tỷ đồng về hơn 13.880 tỷ đồng (giảm 16%). Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu/cho vay giảm về 1,61% (đầu năm là 1,76%).
Mảng chứng khoán đầu tư của BIDV cũng không mấy khởi sắc. Kỳ trước, ngân hàng có gần 1.388 tỷ đồng thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư thì đến kỳ này, phần thu nhập này chỉ đạt hơn… 1,3 tỷ đồng. Sau 9 tháng, BIDV vẫn lỗ hơn 341,6 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư trong khi đó 9 tháng năm 2020, ngân hàng vẫn lãi hơn 1.008 tỷ đồng.
Quý III, BIDV lãi trước thuế hơn 2.673 tỷ đồng, giảm so với con số 2.703 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế ngân hàng cũng suy giảm, còn 2.122 tỷ đồng, trong khi quý III/2020 là 2.174 tỷ đồng.
Đánh giá về triển vọng của ngân hàng, lợi nhuận được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ nhờ chất lượng tài sản ngày càng cải thiện. Hiện ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và dự kiến hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong năm 2021. Do đã trích lập phần lớn nợ xấu tồn đọng, áp lực trích lập dự phòng từ năm 2021 trở đi sẽ giảm bớt đáng kể giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tích cực trong năm 2021 khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt và trọng tâm dần chuyển dịch sang phân khúc bán lẻ.
BIDV cũng vừa nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng mới là 9,5%. VCBS kỳ vọng tốc độ tăng tín dụng của BIDV có thể được cải thiện trong quý 4/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt với nhu cầu tín dụng tăng cũng như lực đẩy từ việc tăng vốn, đồng thời ngân hàng cơ cấu lại danh mục tập trung tăng tỷ trọng phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp SME nhằm cải thiện mức lãi suất cho vay cũng như hạn chế rủi ro nợ xấu.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)