khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào lợi nhuận một quý, mà cần nhìn vào tốc độ bán hàng trong cả năm trước, năm nay và triển vọng trong tương lai, nhất là khi đầu tư công đang được dồn lực thúc đẩy trong thời gian tới.
Khi sóng cổ phiếu bất động sản nổi lên và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, không ít ý kiến trái chiều cho rằng hiện tượng tăng nóng của nhóm cổ phiếu này hoàn toàn có thể chỉ là bong bóng và thị trường dễ dàng sụp đổ nếu bong bóng nổ ra, gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế. Bởi thực tế, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có lợi nhuận rất thấp, thậm chí là thua lỗ.
Quý III thường là quý các doanh nghiệp bất động sản bị chững lại và có những thông tin tiêu cực từ kết quả kinh doanh kém khả quan. Tuy nhiên, năm nay, nhà đầu tư còn phải đón nhận nhiều con số xấu hơn nữa vì dịch bệnh đã làm phần lớn các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp phải lỡ nhịp. Gợi ý về chiến lược chọn cổ phiếu bất động sản cuối năm, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc đến nhóm cổ phiếu chờ đợi cú hích từ những đợt tăng vốn; nhóm phục hồi từ Covid dự kiến sẽ bật mạnh khi Covid đi qua; nhóm có lợi nhuận tốt, tin tức tích cực, có các dự án đáng chú ý và nhóm đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp đầu ngành, bài bản.
Về triển vọng trong trung và dài hạn, Chứng khoán Agriseco đánh giá ngành bất động sản sẽ được duy trì tích cực, bởi bất động sản vẫn là kênh đầu tư phù hợp với khẩu vị của đại đa số nhà đầu tư Việt Nam. Các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất dự án lớn, khả năng triển khai dự án tốt sẽ tăng trưởng tốt trong dài hạn. Bên cạnh đó, yếu tố vĩ mô tạo điều kiện thuận lợi cho ngành khi phát triển cơ sở hạ tầng là mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn tới 2030.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu doanh nghiệp địa ốc ngoài cơ sở là kỳ vọng chung của giới đầu tư về việc thị trường bất động sản sẽ khởi sắc sau giai đoạn đại dịch, giúp các tài sản như bất động sản được định giá lại, từ đó giúp tăng lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai… thì còn có một lý do rất quan trọng, đến từ quy mô vốn của doanh nghiệp. Cụ thể là khối lượng cổ phiếu được niêm yết/giao dịch trên thị trường chứng khoán không quá lớn. Thêm vào đó, với kết quả kinh doanh đi ngang, thậm chí trong nhiều năm, hầu hết các cổ phiếu này nằm ở vùng giá thấp.
Theo chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), ngành bất động sản nhà ở đang ở thời kỳ đầu của chu kỳ phát triển, bởi đến nay chỉ có gần 10% người dân cả nước sống ở những căn hộ chung cư và phần lớn vẫn sống ở những căn nhà phố liền kề tự xây.
DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng. Không có nhịp đầu tuần khả quan như DRH, DIG đã giảm 3,30% trong phiên ngày 25/10. Tuy nhiên, đến những phiên sau, DIG đều giữ được đà tăng mạnh, qua đó giúp cổ phiếu tăng 19,48% trong tuần và tăng xấp xỉ 64% kể từ đầu tháng 10. Đóng cửa phiên ngày 29/10, DIG ở mức giá 50.900 đồng/CP.
Trong quý III, doanh thu thuần của DIG giảm hơn 44% và chỉ đạt 539 tỷ đồng. Kết quả, lãi sau thuế của Công ty giảm tương ứng và ghi nhận 42,2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần của DIG đạt 1.655 tỷ đồng, giảm 11,3%; lãi trước thuế đạt 184 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 139 tỷ đồng, tăng 5,6%. Với số lãi trước thuế đạt được, DIG còn cách rất xa chỉ tiêu lợi nhuận 1.444 tỷ đồng được giao cho cả năm. Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp so với tuần trước tuy có giảm nhiệt nhưng vẫn giữ được đà tăng tương đối khả quan.
Ngay trong tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản nhà ở đã bứt phá mạnh mẽ với những cái tên như DRH, HDC, KDH, DXG,… Điển hình như mã DRH của CTCP DRH Holdings đã có tuần giao dịch thành công khi cổ phiếu leo dốc từ 19.000 đồng/CP lên 24.150 đồng/CP, tương đương 27,11%. Đà tăng tích cực được duy trì từ đầu tuần, DRH đã có 3 phiên kết tuần chạm trần đầy hưng phấn. Tuy nhiên, lật lại kết quả kinh doanh quý III của DRH, lãi sau thuế doanh nghiệp giảm gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức gần 1,6 tỷ đồng do doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 96,2% xuống 205,7 triệu đồng. Tính chung 9 tháng, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 9 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 6,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 85,2% và 83%.
Trong vòng 1 tháng qua, giá cổ phiếu HLD tăng 55,9%, lên 53.600 đồng/cổ phiếu; BCE tăng 54,3% lên 20.450 đồng/cổ phiếu; NTL tăng 38,1%, lên 44.200 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HU4 tăng 39,1% lên 23.500 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu TDC tăng 37,6% lên 28.350 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu LDG tăng 32% lên 9.040 đồng/cổ phiếu… Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản thuộc nhóm vốn hoá lớn như Vinhomes (mã VHM), Novaland (mã NVL)… lại chỉ đi ngang, hoặc tăng không đáng kể.
Tuần từ ngày 25 – 29/10, VN-Index tăng 55,03 điểm, tương đương tăng 3,69%, lên 1.444,27 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 19,5% lên 131.929 tỷ đồng, khối lượng tăng 17% lên 4.435 triệu cổ phiếu. HNX-Index tăng 20,91 điểm, tương đương tăng 5,35%, lên 412,12 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 32,4% lên 17.601 tỷ đồng, khối lượng tăng 13% lên 738 triệu cổ phiếu.
Theo số liệu thống kê của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong 9 tháng năm 2021, tổng nguồn cung mới trên thị trường đạt trên 165.700 sản phẩm, còn lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 61.800 sản phẩm, chiếm 37% tổng nguồn cung. Riêng quý III bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi GDP âm 6,17%, thị trường bất động sản cũng chịu tác động tiêu cực của dịch khiến bức tranh chung tương đối ảm đạm.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)