Quý III/2021 Coteccons (HoSE: CTD) lỗ sau thuế 12 tỷ đồng kết quả rất thấp này trên thực tế không phải là điều bất ngờ…
Quý III/2021, CTD báo lỗ sau thuế 11,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 88 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, CTD có doanh thu thuần 6.189 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ đồng, giảm 76%.
Về tài sản, tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của CTD là 13.011 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 6.875 tỷ đồng, giảm 10% trong khi hàng tồn kho tăng 9% lên 1.623 tỷ đồng. Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc quý III/2021 đạt 4.700 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm, chủ yếu do khoản “phải trả người bán ngắn hạn” (giảm khoảng 1.000 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu của công ty biến động nhẹ, đạt 8.311 tỷ đồng.
Về dòng tiền, CTD có dòng tiền kinh doanh 9 tháng dương 183 tỷ đồng, do giảm được các khoản phải thu, cho thấy hiệu quả của việc tập trung thu hồi công nợ. Đây là điểm sáng của công ty khi có quý thứ 2 liên tiếp dương dòng tiền kinh doanh, sau 13 quý âm liên tục. Tuy chung cục 9 tháng, dòng tiền thuần của công ty vẫn âm 172 tỷ đồng, tuy nhiên, quy mô vốn bằng tiền của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều, CTD vẫn có 1.225 tỷ đồng tiền và tương đương tiền tại ngày kết thúc quý III/2021.
Quý 3 là thời điểm toàn ngành cũng như Công ty đối mặt với các quy định phong tỏa ở những thành phố lớn, đặc biệt các công trình ở Tp.HCM bắt buộc phải tạm dừng thi công, thị trường bất động sản bất ổn, giá nguyên vật liệu tăng cao… đã ảnh hưởng đến doanh thu cũng như hiệu suất sinh lời Công ty. Đây cũng là quý đầu tiên CTD thua lỗ sau một năm về tay Kusto. Với tình hình giãn cách, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng đều gặp khó trong quý vừa qua.
Ngành xây dựng chịu áp lực lớn, chưa kể Coteccons còn đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ nhóm đối thủ là công ty của “tướng” cũ là ông Nguyễn Bá Dương. Trong động thái mới đây, Coteccons vừa thông qua quyết định dừng hợp đồng với các nhà thầu liên quan chủ cũ gồm Newtecons, SOL E&C, Ricons… vì mâu thuẫn lợi ích.
Công cuộc tái cấu trúc năm 2020 cũng là một yếu tố tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh quý III. Cần nhớ, CTD gần như không ký được hợp đồng mới từ quý II/2020 đến cuối năm 2020. Giá trị hợp đồng ký mới chuyển sang 2021 của công ty chỉ đạt 9.000 tỷ (giảm 57% so với cùng kỳ).
Liên quan đến biên lợi nhuận gộp rất thấp, phía CTD cho biết sản phẩm của công ty luôn đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí “high-end”, đồng nghĩa với việc chi phí thi công rất cao. Trong bối cảnh thị trường xây dựng đang cạnh tranh khốc liệt, giá nguyên vật liệu tăng cao… biên lợi nhuận gộp giảm là điều tất yếu. Đây là vấn đề không chỉ CTD, mà cả thị trường xây dựng đang phải đối mặt và nhiều khả năng sẽ kéo dài tới hết 2022.
Coteccons còn gì khi nhân sự dứt tình
Những ồn ào liên quan đến cuộc chia tay với nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương và ekip của vị thuyền trưởng này suốt 16 năm còn kéo dài ngay cả khi công ty đã “thay máu” ban tổng giám đốc còn kéo dài sau đó.
Ngày 5/10/2020, ông Nguyễn Bá Dương từ chức Chủ tịch HĐQT Coteccons, rời công ty xây dựng do chính mình sáng lập và đứng đầu suốt 16 năm. Sau khi rời đi, ông Dương cũng “dứt tình” với Coteccons bằng việc bán cổ phần, không còn là cổ đông lớn công ty. Ngay từ trước khi ông Dương chính thức rời Coteccons, nhiều nhân sự cấp cao đã lần lượt rút khỏi công ty. Sau khi nhà sáng lập từ chức chủ tịch, hàng loạt thành viên lâu năm trong ban điều hành Coteccons cũng nối gót ra đi.
Nhưng không chỉ có các nhân sự cấp cao nghỉ việc. Báo cáo năm 2020 của Coteccons cho biết số lượng nhân sự của tập đoàn vào cuối năm 2020 chỉ còn 1.659 người, giảm gần 30% so với con số 2.272 người vào cuối năm 2019. Đến cuối tháng 6 vừa qua, số nhân sự của công ty cũng chỉ tăng nhẹ lên 1.718 người.
Tại họp đại hội thường niên cuối tháng 4, chảy máu chất xám chính là một trong những vấn đề được cổ đông chất vấn ban lãnh đạo mới của Coteccons nhiều nhất cùng với hiện tượng mất dự án vào tay nhà thầu khác.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)