So với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đại dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản có sự khác biệt. Thị trường bất động sản trong dịch vẫn sôi động, khó khăn hiện tại phải đối mặt là nguồn cung khan hiếm, chính sách chưa tháo gỡ,…
Tác động của đại dịch rất khác nhau, như lĩnh vực văn phòng, nghỉ dưỡng, khách sạn… rất khó khăn; còn các lĩnh vực khác như bất động sản khu công nghiệp, logictics vẫn tốt. Đối với TP. HCM, bất động sản là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển. Giờ hỗ trợ doanh nghiệp lại, cần nhóm chính sách: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tất cả nút thắt, thắt chỗ nào phải gỡ để doanh nghiệp bung lên.
Về khả năng phục hồi của thị trường rất khả quan bởi những yếu tố như kinh tế của Việt Nam được dự báo phục hồi khá nhanh, sẽ như bật lò xò. Dự báo Quý IV/2021 được dự báo tăng trưởng phục hồi trở lại khoảng 4% và cả năm tăng trưởng khoảng 2,5% và năm tới 2022 có khả năng tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 6,5-7%.
Ngưng trệ vì chính sách pháp lý chưa thông
Cùng với các giải pháp trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đại dịch, các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và quy trình thủ tục hành chính đã kéo dài trong thời gian vừa qua cũng cần sớm được tháo gỡ. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, tạo sức bật cho doanh nghiệp hồi phục sau dịch. Thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại phức tạp như một “ma trận”, tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp và làm cho cán bộ công chức nhà nước rất “vất vả”, thậm chí dễ bị “rủi ro” trong thi hành công vụ.
Thời gian qua, Chính phủ đã có quyết sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp một cách thiết thực. Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 406 quyết định miễn, giảm thuế… Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Nếu làm được như năm 2013 qua cơ chế cấp bù lãi suất thì 1 đồng cấp bù lãi suất có thể huy động thêm hơn 30 đồng… Đề nghị sớm quyết định, ban hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất cho người mua nhà. Những tháo gỡ cuối 2020 của chính phủ về đất công xen cài, nhưng khâu tổ chức thực hiện chậm. Giao cho các tỉnh quy định thửa nào nhưng giờ là cuối tháng 10 rồi mới chỉ 10 tỉnh ban hành quyết định, còn 3 địa phương trong đó có TP. HCM chưa ban hành quyết định. Có những quy trình về đầu tư xây dựng thành phố đã chỉ đạo sở ngành xây dựng nhưng nay vẫn chưa làm nên hồ sơ dự án bị tắc, giảm nguồn cung dự án, sản phẩm, dẫn tới giá tăng liên tục vừa do quy luật cung cầu vừa do thể chế và thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó một trong những vướng mắc pháp lý rất lớn hiện nay là Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 và Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong 2 trường hợp: Nhà đầu tư có đất ở (có 100% đất ở); hoặc nhà đầu tư có các loại đất khác “dính” với đất ở. tất cả các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hay có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. “Ách tắc” này đã gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp bất động sản, người tiêu dùng và cả Nhà nước. Do vậy, hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét sớm có giải pháp xử lý vướng mắc này để công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật.
Chính phủ cũng đã có những quyết sách như Nghị định 148, Nghị định 69 đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại nhà chung cư cũ nhanh hơn nhưng chưa đi vào cuộc sống. Nghị định 67 sửa đổi Nghị định 167 về dự án liên quan đất công bị đứng hình lâu nay, đưa ra cửa hẹp tháo gỡ những dự án khó thì UBND tỉnh, thành trình từng dự án lên đê xem xét giải quyết. Khi xây dựng Luật Đầu tư 2020, có dự án có đất y tế, giáo dục trước đây không doanh nghiệp nào muốn đầu tư nhưng nay lại là loại đất kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp muốn đầu tư liên kết xây dựng trường quốc tế nhưng không có giải quyết được thủ tục đầu tư do chưa có quy định rõ ràng.
Nguồn cung khan hiếm làm cho thị trường bớt sôi động
Vướng mắc thủ tục pháp lý cùng là điểm tác động lớn dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Trong năm 2020, nguồn cung dự án nhà ở BĐS giảm 34%. Việc nguồn cung hạn hẹp đã làm cho tốc độ giao dịch trên thị trường giảm mạnh, đặc biệt không có dự án nào được cấp phép chuyển nhượng. Chưa kể, nhà ở trong các phân khúc đã có sự lệch pha rõ rệt khi chủ đầu tư những dự án được cấp phép lại chọn phát triển phân khúc cao cấp. Vì vậy, tỉ lệ căn hộ phân khúc trung bình giảm từ 51% còn 1%; phân phúc trung cấp tăng từ 23,8% lên gần 57%; căn hộ cao cấp tăng từ hơn 25% lên hơn 41%.
Theo số liệu từ CBRE, từ năm 2020, số lượng căn hộ chào bán chỉ còn khoảng 15.000 căn ở mỗi thành phố. Số liệu 9 tháng đầu năm 2021 mà CBRE cập nhật sơ bộ đến ngày 23/9/2021 cho thấy Tp.HCM có khoảng 7.500 căn hộ mở bán, giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Con số sơ bộ tại thành phố Hà Nội cũng khoảng 10.000 căn, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng chào bán tại Hà Nội nhỉnh hơn một chút so với Tp.HCM là do dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư diễn ra ở TP nặng nề hơn. Tuy nhiên, nhìn chung số lượng sụt giảm khá nhiều ở cả hai thành phố.
Tuy nhiên, điều đáng nói, dù nguồn cung sụt giảm nhưng tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức tốt, giá bán sơ cấp vẫn tăng. Tại Tp.HCM, trong quý 2/2022 với hơn 80% số căn chào bán trong, tăng 76% so với quý 1/2021. Theo Sở Xây dựng TpHCM, sản lượng nhà ở toàn thành phố năm 2020 giảm gần 60% so với 2019, đồng thời cũng là mức thấp kỷ lục trong nửa thập niên qua. Điều đáng quan ngại nhất chính là sản lượng nhà giá rẻ – loại nhà vừa với túi tiền của đại đa số người dân, chỉ còn chiếm 1% rổ hàng trong bối cảnh giá nhà vẫn leo thang bất thường. Còn theo báo cáo quý 2/2021 của Bộ Xây dựng, cả nước chỉ có 69 dự án nhà ở thương mại được cấp phép, bằng 73% so với quý trước và khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Dưới tác động của dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài suốt quý III, các báo cáo phân tích từ nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường ghi nhận nguồn cung căn hộ TP HCM giảm mạnh, thậm chí thấp nhất nhiều năm. Báo cáo của Savills chỉ ra quý III, nguồn cung thị trường sơ cấp chỉ khoảng 3.000 căn, thấp nhất trong 5 năm gần đây, giảm 70% cùng kỳ năm trước. Trong đó, 11 dự án tạm ngưng bán, trong khi nguồn cung mới bị hạn chế và lượng tồn kho thấp. Tỷ lệ hấp thụ cũng thấp nhất 5 năm, chỉ đạt 14%.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)