Quý III/2021, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lỗ 43,53 tỷ đồng…
Trong quý III/2021, AST ghi nhận doanh thu đạt 17,34 tỷ đồng, giảm 68,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế âm 43,53 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 30,2 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 26,7% về âm 19,2%.
Trong kỳ, công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm 3,33 tỷ đồng, giảm 17,89 tỷ đồng so với cùng kỳ; doanh thu tài chính giảm 62,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 2,63 tỷ đồng về 1,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 27,2%, tương ứng giảm 12,83 tỷ đồng về 34,37 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu giảm 57,5% về 126,13 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 110,44 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 28,69 tỷ đồng. Như vậy, tính tới 30/9/2021, công ty nâng mức lỗ lũy kế lên tới 61,5 tỷ đồng so với đầu năm là dương 40,33 tỷ đồng.
Trong năm 2021, AST đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 317,6 tỷ đồng và lỗ 83,87 tỷ đồng. Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 71,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 59 tỷ đồng. Tính tới 30/9/021, tổng tài sản của AST giảm 20,5% so với đầu năm về 497,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 161 tỷ đồng, chiếm 32,4% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 114,3 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 67,7 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 60,2 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng tài sản.
Trước đó, sau khi AST công bố Báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu AST. Ngày 20/05/2021, HOSE ra thông báo về việc đưa cổ phiếu AST vào diện cảnh báo từ ngày 27/05/2021 do “Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ trên Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2020 là âm 49,01 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định”. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2020 là âm 49,01 tỷ đồng do Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và ngành du lịch, hàng không, phi hàng không nói riêng.
Năm 2020, toàn bộ các điểm kinh doanh của Taseco trên toàn hệ thống đều đóng cửa từ ngày 1/4 đến 27/4. Các điểm kinh doanh tại nhà ga quốc tế, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, khách sạn À La Carte liên tiếp ngừng hoạt động theo quy định phòng, chống dịch bệnh. Với hoạt động chính là bán hàng và cung cấp các dịch vụ liên quan trong cảng hàng không như nhà hàng, dịch vụ ăn uống lưu động; bán lẻ; đại lý du lịch, điều hành tour; vận tải hành khách đường bộ… Ban lãnh đạo Taseco kỳ vọng, kết quả kinh doanh sẽ phục hồi khi các đường bay quốc tế được dần mở lại vào cuối năm nay. Đến ngày 28/8/2021, Phòng Quản lý thẩm định và niêm yết tại HoSE nhận được Báo cáo tài chính bán niên năm 2021 đã soát xét của Taseco ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là âm 62,57 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2021 là âm 21,8 tỷ đồng.
Công ty này có 5 công ty con gồm Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco Đà Nẵng (sở hữu 99,9%), Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco Sài Gòn (65%), Công ty TNHH MTV Taseco Oceanview Đà Nẵng (100%), Công ty cổ phần Đầu tư Truyền thông Taseco (99,9%) và Công ty TNHH Hàng miễn thuế Jalux Taseco (51%).
Ngoài ra, Taseco còn một công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu 26,67% vốn Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam (VinaCS) và ghi nhận khoản lỗ luỹ kế tại đây đến cuối kỳ là hơn 30 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, bên cạnh công ty mẹ là Công ty cổ phần Tập đoàn Taseco (tiền thân là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Thăng Long) sở hữu 51% vốn, Taseco còn 2 cổ đông lớn của Taseco Airs là Quỹ Penm IV Germany GmbH & Co.KG nắm 17,4% (từ năm 2017) và Quỹ Stic Pan Asia (từ năm 2019) nắm 10%.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)