Tháng 9 vừa qua, Cục Hàng không đã đề xuất áp dụng giá sàn vé máy bay nội địa tương đương 20% mức giá trần hiện nay của mỗi chặng bay. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu lại đề xuất áp giá sàn vé máy bay khi nhiều chuyên gia lên tiếng về trái quy định pháp luật…
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) kiến nghị áp giá sàn bằng 44% giá trần nhưng Cục Hàng không cho rằng con số này quá cao, cần phải điều chỉnh xuống. Tuy nhiên ngay cả đề xuất 20% của Cục Hàng không cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ một số hãng hàng không như Vietjet Air, Vietravel Airlines.
Đầu tháng 10 vừa qua, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa, không phù hợp với thể chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.
Theo tổng hợp của Cục Hàng không, hiện nay trên thế giới chỉ có Indonesia là quốc gia có quy định giá tối thiểu đối với chặng bay nội địa, nhưng tỷ lệ cũng chỉ bằng 35% giá tối đa, áp dụng từ 4/2019. Năm 2004, Trung Quốc từng áp dụng chính sách giá vé trong nước tối thiểu bằng 44% giá tối đa nhưng đã gỡ bỏ quy định năm vào năm 2013.
Vietnam Airlines muốn nước ta cũng áp dụng con số 44% như Trung Quốc từng làm vào năm 2004. Nếu đề xuất này được chấp thuận, Việt Nam sẽ là nước có tỷ lệ giá sàn/giá trần cao nhất thế giới hiện nay. PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia về hàng không, nhận xét: “Indonesia là nước duy nhất trên thế giới có giá sàn… Trung Quốc nhận thấy việc áp dụng giá sàn là sai lầm và đã chấm dứt từ nhiều năm trước. Vậy tại sao Vietnam Airlines lại đề xuất áp tỷ lệ giá sàn 44% mà Trung Quốc đã bỏ đi?”
Ngoài ra, việc áp giá sàn còn đi ngược với xu hướng của hàng không thế giới, có thể gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch, gây khó khăn cho công nhân trở lại nhà máy và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người, ông Long nhận định.
Trên cơ sở đó, PGS.TS. Ngô Trí Long kiến nghị Thủ tướng sớm cho ngừng chủ trương áp giá sàn. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu nội dung đề nghị nêu trên của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long để xem xét, xử lý theo quy định, có văn bản trả lời cho ông Long biết.
Nếu áp dụng giá sàn trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines ước tính doanh thu của hãng sẽ tăng thêm 270 tỷ, doanh thu của Pacific Airlines tăng 338 tỷ. Bamboo không đưa ra con số cụ thể nhưng cũng cho rằng giá sàn sẽ tác động tốt đến hoạt động bán hàng và doanh thu của hãng. Cục Hàng không thì đánh giá việc áp giá sàn sẽ làm giảm nguy cơ phá sản của VNA, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước với tư cách là cổ đông nắm trên 86% vốn điều lệ của VNA.
Vietravel Airlines cho biết giá sàn sẽ khiến hành khách lựa chọn hãng có dịch vụ cao cấp hơn, như vậy các hãng giá rẻ sẽ bị thiệt thòi, đặc biệt là với hãng hàng không mới như Vietravel. Tương tự, Vietjet cũng cho rằng giá sàn sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển của ngành hàng không. Từ trước đến nay, mỗi hãng bay cung cấp một kiểu dịch vụ khác nhau với các mức giá khác nhau để hành khách lựa chọn theo nguyên tắc thị trường, thuận mua vừa bán. Có người sẵn sàng trả giá cao để hưởng thụ các dịch vụ cao cấp, có người tài chính eo hẹp và chỉ cần các tiện ích vừa đủ. Áp giá sàn sẽ làm mất đi lựa chọn của hành khách với thu nhập hạn chế.
Trong bối cảnh hàng triệu người mất việc hoặc thiếu việc vì COVID-19, thu nhập bị sa sút nghiêm trọng, thì đề xuất áp giá sàn là một ý tưởng không hợp tình và cũng không hợp lý.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)