Theo Bộ Xây dựng, diễn biến về giá giao dịch các loại bất động sản cho thấy rõ nét nhất về ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh lên thị trường bất động sản. Nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh, trong 8 tháng đầu năm 2021 có gần 1,6 tỷ USD vốn đăng ký, chỉ đạt 56% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngay từ đầu năm, do gặp khó khăn trong hầu hết các hoạt động, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khác, các nhà đầu tư và kể cả người dân xem bất động sản như một kênh đầu tư an toàn, có thể bảo toàn nguồn vốn trong dài hạn. Nguồn vốn dịch chuyển vào đầu tư nhà, đất cùng với tác động của nhiều yếu tố khác đã tạo nên các cơn sốt đất nền cục bộ, nhưng xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước; đỉnh điểm giá đất nền tại một số khu vực, địa phương tăng 30% – 50% so với thời điểm cuối năm 2020.
Cùng với sự khó khăn, thậm chí đứt gãy trong sản xuất, cung ứng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của các dự án bất động sản tăng, đặc biệt là các sản phẩm phải nhập khẩu. Có thời điểm, giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30% – 40% so với cuối năm 2020, vật liệu xây dựng khác, như: Xi măng, cát, gạch… cũng tăng, từ đó, làm tăng giá thuế của hầu hết các loại hình, phân khúc bất động sản. Từ đầu năm, giá bán nhà ở các phân khúc bình dân, trung cấp, cao cấp đều có xu hướng tăng, càng làm tăng khó khăn về giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Ngược với xu hướng tăng giá bán của hầu hết các loại hình bất động sản, do khó khăn trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch, giá cho thuê các loại bất động sản lại giảm. Giá cho thuê mặt bằng thương mại giảm 10% – 20% thậm chí cao hơn tùy theo thời điểm, điều kiện cụ thể của từng khu vực. Cũng theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp cho thấy, nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh, trong 8 tháng đầu năm 2021 có gần 1,6 tỷ USD vốn đăng ký, chỉ đạt 56% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng giao dịch trong 6 tháng đạt 55.335 giao dịch thành công tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, dưới tác động kéo dài và sự bùng phát mạnh của đợt dịch lần thứ 4, đặc biệt cao điểm trong cuối tháng 7, tháng 8; khi nhiều địa phương, Hà Nội, TP.HCM thực hiện cách ly, giãn cách theo chỉ đạo của Chính phủ thì hầu hết các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Thị trường bất động sản trong quý III cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Bộ Xây dựng cho biết, về nguồn cung, tại nhiều địa phương đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương…, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án bị ngưng trệ, không có dự án được hoàn thành và mở bán; các bất động sản giao bán trên thị trường chủ yếu từ nguồn cung của các dự án mở bán trong giai đoạn trước.
Theo thống kê sơ bộ, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán khoảng 20.000 căn, tương đương khoảng 60% -70% so với quý II. Về lượng giao dịch, lượng giao dịch bất động sản thành công giảm mạnh so với quý II. Tại các địa phương thực hiện giãn cách triệt để, hoạt động đi lại, giao dịch, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, người dân không thể thực hiện được; nhiều khu vực thị trường có hiện tượng “đóng băng tạm thời”. Theo thống kê sơ bộ thì tỷ lệ hấp thụ các loại bất động sản nhà ở đều chỉ đạt khoảng 40% lượng chào bán trên thị trường; riêng loại hình đất nền lượng hấp thụ đạt cao hơn, khoảng 50% lượng chào bán trên thị trường. Về giá giao dịch, tại nhiều địa phương do thực hiện giãn cách nên giao dịch bất động sản thành công hầu như không đáng kể.
Giá chào bán, cho thuê bất động sản hầu như không có biến động lớn; các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản vẫn giữ mức giá chào bán đã thiết lập từ cuối quý II. Cụ thế, giá căn hộ chung cư (bình dân, trung cấp, cao cấp) đều vẫn giữ giá hoặc vẫn tăng nhẹ, khoảng 1% – 2%. Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền giảm khoảng 1% – 2%. Giá mặt bằng thương mại cho thuê, căn hộ, nhà ở cho thuê mặt bằng giá giảm chung khoảng 2% – 3%, ngoài ra chủ cho thuê thực hiện hỗ trợ giảm giá trực tiếp 10% – 20 % tùy theo từng điều kiện cụ thể.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)