Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề nghị triển khai thoái vốn năm 2021 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung thoái vốn tại Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI) và Công ty cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong (NTP).
Hiện tại, SCIC đang nắm giữ 22,15 triệu cổ phiếu BVH (tỷ lệ 2,98%), nắm giữ 55,44 triệu cổ phiếu BMI (tỷ lệ 50,7%) và 43,7 triệu cổ phiếu NTP (tỷ lệ 37%). Tính theo thị giá hiện tại, quy mô thoái vốn của SCIC vào khoảng 6.350 tỷ đồng. Đón nhận thông tin SCIC có kế hoạch thoái vốn, các cổ phiếu ngành bảo hiểm như BVH, BMI, PVI, MIG…đã tăng mạnh, thậm chí nhiều mã tăng trần. Tương tự, NTP cũng tăng trần sau thông tin thoái vốn.
Trước đó vào tháng 5/2021, SCIC đã công bố danh sách 88 doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn trong năm 2021, trong đó có nhiều tên tuổi như Sabeco, Tổng công ty Sông Đà, Vinatex, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, FPT, Tổng CTCP Bảo Minh, Tập đoàn Bảo Việt…
Tiền thu từ thoái vốn tại 3 doanh nghiệp trên nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12 để nộp ngân sách Nhà nước.
Tập đoàn Bảo Việt (BVH) Nhờ thị trường tăng trưởng mạnh, doanh thu hoạt động tăng 126% so với nửa đầu năm ngoái, đạt hơn 557 tỷ đồng. Trong đó, nghiệp vụ môi giới chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn nhất với 222 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng gấp đôi lên 165 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ cũng tăng 41% lên gần 128 tỷ đồng. Các dịch vụ khác như bảo lãnh, lưu ký chứng khoán cũng tăng trưởng so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, gấp gần 3 lần thực hiện nửa đầu năm ngoái, và hoàn thành 114% kế hoạch cả năm.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Minh (UPCoM: BMS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III, ghi nhận doanh thu hoạt động sụt giảm 11% so với cùng kỳ về còn 55 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến sự đi xuống của doanh thu chủ yếu đến từ mảng tự doanh của BMS. Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt 29 tỷ đồng, trong khi phần lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL xấp xỉ 78 tỷ đồng – xuất phát từ việc đánh giá tài sản tài chính. Do vậy, hoạt động tự doanh quý III của BMSC ghi nhận khoản lỗ ròng gần 66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ lỗ 28 tỷ đồng. Điểm sáng hiếm hoi đến từ hoạt động môi giới với doanh thu tăng mạnh đến 8 lần so với cùng kỳ lên gần 16 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tư vấn cũng tăng 95% so với quý III/2020, đạt hơn 8 tỷ đồng. Do tự doanh vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh doanh của BMS, do đó khấu trừ thêm các chi phí, BMS báo lỗ sau thuế hơn 38 tỷ đồng, lỗ nặng hơn cùng kỳ năm ngoái (26 tỷ đồng).
Trong quý II/2021, NTP ghi nhận doanh thu đạt 1.278,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 139,9 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 8,4% và 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 31,4% về còn 22,9%. Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 20,7%, tương ứng giảm 76,4 tỷ đồng về 293,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 177,6%, tương ứng tăng 11,9 tỷ đồng lên 18,6 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 67,4%, tương ứng giảm 77,2 tỷ đồng về 37,3 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong kỳ mặc dù lợi nhuận gộp giảm mạnh nhưng nhờ doanh thu tài chính tăng và tiết giảm chi phí quản lý nên lợi nhuận vẫn tăng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, NTP ghi nhận doanh thu đạt 2.339,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 269,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,7% và 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, trong năm 2021, doanh nghiệp dự kiến doanh thu 5.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 432 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và giảm 14,5% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 317,7 tỷ đồng, doanh nghiệp hoàn thành 73,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/6/2021, tổng tài sản của NTP tăng 20,9% so với đầu năm lên 4.709,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt 1.404,4 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.017,4 tỷ đồng, chiếm 21,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 747,5 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng tài sản; tài sản tài chính dài hạn đạt 533 tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng tài sản. Ngoài ra, trong kỳ tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 57,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 543,6 tỷ đồng lên 1.488,8 tỷ đồng và chiếm 31,6% tổng nguồn vốn.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)