Nội dung được đề cập trong trong văn bản của Bộ Xây dựng gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước, về việc xây dựng nhà ở xã hội, trong đó cần quan tâm đến nhà ở cho công nhân.
Sau gần 10 năm thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đạt được những kết quả tích cực, chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, từng bước tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là người nghèo, các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở có khả năng cải thiện chỗ ở. Đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 24,4m2, trong đó, khu vực đô thị đạt 25,1m2 sàn/người (tăng 3,8 m2 so với năm 2011), khu vực nông thôn đạt 24,0m2 sàn/người (tăng 6,2m2 so với năm 2011).
Các hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nhà ở đang được hoàn thiện nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở, đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở, đáp ứng phần lớn nhu cầu nhà ở của người dân.
Tuy vậy, trên thực tế, nguồn cung – cầu các sản phẩm nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM trong vài năm trở lại đây có sự chênh lệch đáng kể, đặc biệt phân khúc căn hộ có giá vừa túi tiền. Trong khi nhu cầu mua nhà ở thực nguời dân rất lớn thì nguồn cung lại thiếu hụt trầm trọng, nguồn cung phân khúc căn hộ hạng sang lại đang dư thừa. Sự phát triển không đồng đều của thị trường, dẫn đến giấc mơ an cư của người dân tại các thành phố lớn trở nên vô cùng khó khăn bởi mức thu nhập của họ quá thấp không đủ khả năng mua nhà.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, thể hiện rõ nhất là tại nhiều khu công nghiệp, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động… Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân nên không đảm bảo được việc thực hiện “3 tại chỗ” tại khu công nghiệp.
Do đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nhà công nhân tại các khu công nghiệp. Từ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Các địa phương trong khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Không những vậy, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
Đồng thời, bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao… trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động. Quá trình triển khai, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu nguời toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người. Đồng thời, tăng tỷ trọng cơ cấu nhà cho thuê, đa dạng hóa, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở thương mại có diện tích trung bình và có giá cả hợp lý, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)