Một số chuyên gia phân tích dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III/2021 có khả năng giảm 19% so với quý II, do tăng trưởng cho vay thấp, chi phí dự phòng dự kiến tăng 20%, đặc biệt tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp.
FiinPro vừa có báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2021 dựa trên số liệu ước tính sơ bộ của 43 doanh nghiệp và đối chiếu bổ sung ước tính với các công ty chứng khoán. Theo đó, lợi nhuận quý III của 9 ngân hàng đang niêm yết trên HOSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM chiếm 34,1% vốn hoá toàn thị trường giảm 13,4% so với quý II và đây là quý thứ hai có lợi nhuận giảm so với quý liền trước.
Một số chuyên gia phân tích dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III/2021 có khả năng giảm 19% so với quý II, do tăng trưởng cho vay thấp, chi phí dự phòng dự kiến tăng 20%, đặc biệt tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Trong khi đó, biên lãi ròng (NIM) giảm do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 124/2020/QH14 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 của ngành ngân hàng gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, tổng số nợ xấu nội bảng được xử lý là 78.860 tỷ đồng. Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro là 33.130 tỷ đồng, chiếm 42%; thông qua bán nợ là 18.660 tỷ đồng, chiếm 23,7%; khách hàng trả nợ là 20.550 tỷ đồng, chiếm 26,11%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu đến cuối tháng 6/2021 là 3,66%. Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).
Được biết, tính đến cuối tháng 9/2021, NCB đã trích lập dự phòng 132 tỷ đồng, gấp 66 lần cùng kỳ năm ngoái. Một lãnh đạo cao cấp TPBank chia sẻ: “Dù tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức rất thấp, chỉ 1,02%, nhưng với sự cẩn trọng, Ban lãnh đạo TPBank đã trích lập dự phòng tăng xấp xỉ gấp đôi so với thời điểm này một năm trước”.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2021 của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất – kinh doanh, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng có chiều hướng tăng rõ rệt. Cụ thể, 50,5% tổ chức tín dụng nhận định mặt bằng rủi ro tăng trong quý III/2021, 33,7% dự báo mặt bằng rủi ro tăng trong quý IV/2021 và 50,5% dự báo mặt bằng rủi ro tăng trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhận định mặt bằng rủi ro tăng ở kỳ điều tra trước (các tỷ lệ tương ứng là 27,2%, 23,3% và 39,8%). Tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở mức cao và khá cao tiếp tục tăng từ 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này, ghi nhận mức cao nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (quý I/2014).
“Các tổ chức tín dụng đều chung nhận định, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ so với cuộc khảo sát trước. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức thấp và giảm so với quý trước”, một lãnh đạo cao cấp Vụ Dự báo Thống kê nói. Thực tế, trên website của nhiều ngân hàng, thông tin liên tục được cập nhật là rao bán các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm, thậm chí có ngân hàng rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá trị rất nhỏ, 483.000 đồng gồm cả gốc và lãi, phạt, nhưng hoạt động này cũng không dễ thành công.
Chính ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, Ngân hàng vẫn sẽ cùng doanh nghiệp vượt khó, bằng nhiều biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng doanh nghiệp nhằm từng bước ổn định và tiếp tục chu kỳ sản xuất mới, đặc biệt là dịp cuối năm. Nam A Bank sẽ có những gói tín dụng với lãi suất 6%/năm không thu phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu tái sản xuất từ nay đến cuối năm.
Quý III/2021, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đạt lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, gấp 16 lần cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 164 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số hơn 20 tỷ đồng của cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có lợi nhuận quý III/2021 tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng hoàn thành 75,76% kế hoạch năm 2021.
Thông tin từ SHB cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng đạt 5.055 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Công ty Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ lợi nhuận đột biến trong quý I nên lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, VietinBank đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận quý III bị ảnh hưởng do Ngân hàng thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tăng cao do nguy cơ nợ xấu mới phát sinh.
SSI cũng ước tính lợi nhuận quý III/2021 của VPBank, đạt 3.200 tỷ đồng, giảm mạnh so với quý II, do bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, với khoản thu gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ bán 49% vốn tại FE Credit cho đối tác Nhật Bản, lợi nhuận năm 2021 của VPBank sẽ tăng đột biến.
Một ngân hàng được dự báo có lợi nhuận giảm trong quý III/2021 là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Theo đó, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 ước đạt 11%, nhưng thu nhập lãi thuần của VIB bị ảnh hưởng do Ngân hàng tăng cường tái cơ cấu để hỗ trợ khách hàng. Ngoài ra, mảng kinh doanh bancassurance (phân phối bảo hiểm), vốn chiếm khoảng 20% lợi nhuận trước thuế của VIB, gặp khó khăn trong thời gian giãn cách. SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế quý III của VIB giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, VIB vẫn đạt 5.500 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 36,6% so với cùng kỳ.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)