Tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc – Huawei đã thành lập bốn đơn vị kinh doanh mới để thúc đẩy các nỗ lực đa dạng hóa của mình. Động thái diễn ra trong bối cảnh các hoạt động sản xuất thiết bị di động và điện thoại thông minh cốt lõi của họ trên khắp thế giới đang gặp khó khăn, dưới các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ…
Các nhà lãnh đạo cho các đơn vị kinh doanh mới được lựa chọn từ các ứng viên nội bộ, theo quyết định được ký duyệt bởi Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei – ông Nhậm Chính Phi vào tháng 9. Một phát ngôn viên của Huawei hôm thứ Ba đã xác nhận việc thành lập các đơn vị mới và bổ nhiệm lãnh đạo.
“Hoạt động như những đơn vị độc lập, các đơn vị mới cần phá vỡ ranh giới tổ chức hiện có ở Huawei để họ có thể nhanh chóng tiếp nhận nguồn lực và nâng cao hiệu quả,” ông Nhậm nói trong thông báo nội bộ. “Mỗi đơn vị trong số này nên đào sâu vào một lĩnh vực, chịu trách nhiệm về sự thành công trong kinh doanh của mình và tạo ra nhiều doanh thu ’hơn cho công ty.”
Ông Eric Xu Zhijun, Chủ tịch luân phiên của Huawei tỏ thái độ cứng rắn trước những lời đe dọa về các lệnh trừng phạt mới của Mỹ trong một cuộc họp báo hôm 24/9 ở Bắc Kinh, theo SCMP. Tại đây, ông cũng nói rằng lệnh cấm vận hiện tại đang gây thiệt hại ít nhất 30 tỷ USD trong doanh thu hàng năm ở mảng thiết bị cầm tay của hãng, nhưng công ty đã học cách “sống chung với lũ” kể từ tháng 5 năm 2019, theo SCMP. “Cho dù các lệnh trừng phạt có nhiều lên đi nữa, thì chúng tôi đã quen với việc làm và sống với cái gọi là “danh sách đen” của Mỹ”, ông Xu nói.
Xun Su, một Giám đốc kỳ cựu đã làm việc tại Huawei hơn 20 năm, được bổ nhiệm phụ trách đơn vị hải quan và cảng biển mới. Yang Yougui, trước đây là chủ tịch văn phòng khu vực Trung Đông của Huawei, hiện đứng đầu bộ phận tiết kiệm năng lượng của trung tâm dữ liệu. Ma Yue và Chen Guoguang lần lượt là người đứng đầu đơn vị quang điện thông minh và đường cao tốc thông minh. Vẫn chưa rõ các đơn vị kinh doanh mới sẽ được định vị như thế nào với hoạt động của người tiêu dùng, nhà mạng và doanh nghiệp cốt lõi của Huawei. Việc thành lập các đơn vị này đánh dấu bước đi chiến thuật mới nhất của Huawei nhằm mở rộng nguồn doanh thu, đồng thời nỗ lực duy trì thị phần trong thị trường thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh toàn cầu.
Các đơn vị mới tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số cho hải quan, cảng biển; công nghệ tiết kiệm năng lượng của các trung tâm dữ liệu; và các hệ thống thông minh cho đường cao tốc và ngành công nghiệp quang điện.
Yang Guang, Giám đốc tại công ty nghiên cứu Strategy Analytics cho biết: “Những nỗ lực đa dạng hóa hoạt động của Huawei sẽ tập trung vào các doanh nghiệp ít phụ thuộc vào chip cao cấp hơn. Ví dụ, ngành công nghiệp quang điện và ô tô không yêu cầu những con chip tiên tiến như những con chip được sử dụng trong điện thoại thông minh”.
Lời phát biểu của ông Eric Xu được đưa ra một ngày sau khi bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết Washington sẽ có thêm hành động cấm vận các công ty viễn thông Trung Quốc nếu cần thiết. Cựu tổng thống Donald Trump đã thêm Huawei vào “danh sách đen” vào tháng 5 năm 2019, cấm gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc làm ăn với các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ. Chính quyền ông Trump đã siết chặt trừng phạt vào tháng 9 năm 2020 với một lệnh cấm nhằm cắt đứt hoàn toàn nguồn cung chip của Huawei, giáng một đòn chí mạng vào mảng kinh doanh điện thoại thông minh cốt lõi của hãng, vốn phụ thuộc nhiều vào các con chip tiên tiến được sản xuất bằng công nghệ Mỹ. Doanh thu của Huawei trong nửa đầu năm nay đã giảm 29,4% so với một năm trước, xuống còn 320 tỷ nhân dân tệ (49,5 tỷ USD). Doanh thu từ mảng kinh doanh tiêu dùng, chủ yếu là bán điện thoại thông minh, giảm gần một nửa xuống còn 21 tỷ USD.
Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và trước đây là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, đã được thêm vào “sổ đen” về thương mại của Washington vào năm 2019, dưới thời Tổng thống Trump. Công ty đã cố gắng điều chỉnh hoạt động của mình với các lệnh trừng phạt nặng nề hơn áp đặt vào năm ngoái, bao gồm việc được tiếp cận các chip được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, từ bất cứ nước nào.
Doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty đã giảm 29,4% so với một năm trước xuống còn 320 tỷ nhân dân tệ (49,6 tỷ USD), do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các mảng phần cứng và phần mềm thiết yếu ảnh hưởng đến doanh số kinh doanh điện thoại thông minh cốt lõi của công ty. Huawei cũng đã tăng cường tập trung vào ngành khai thác than của Trung Quốc, nơi họ đang áp dụng những lợi ích của công nghệ 5G tiên tiến. “Trong vòng 2-3 năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu hợp tác với hàng trăm mỏ than, nhà máy sắt thép và cảng,” ông Nhậm nói trong một cuộc họp ở Taiyuan, thủ phủ của tỉnh Sơn Tây, vào tháng Hai.
Điều đó đánh dấu thứ mà ông Nhậm Chính Phi trình bày tại cuộc họp là chương trình “tự lực sản xuất” của Huawei, được gọi là “Nanniwan”. Điều này đề cập đến việc công ty mở rộng sang các thị trường dọc mới, đồng thời mở rộng dòng sản phẩm tiêu dùng của mình để bao gồm TV và máy tính bảng. Kể từ cuối năm ngoái, Huawei đã theo đuổi các sáng kiến nhằm đa dạng hóa hoạt động của mình. Chúng bao gồm việc mở rộng hoạt động dịch vụ đám mây của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp trong nước cắt giảm lượng khí thải carbon, cung cấp thêm các trạm gốc 5G và thiết bị mạng lõi cho các nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc, tăng các thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế, thiết lập quan hệ đối tác cho nền tảng di động HarmonyOS và thoái vốn kinh doanh khỏi dòng điện thoại thông minh Honor. Ông Yang cũng cho biết, mặc dù thị trường doanh nghiệp của Trung Quốc bị phân mảnh và yêu cầu các giải pháp tùy biến, nhưng các dự án trong lĩnh vực khai thác than, thép và cảng hầu hết đều có quy mô lớn, đó là lý do tại sao Huawei tham gia vào các ngành đó.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)