Như gợi mở trên của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để “chia lửa” cho đòn bẩy tín dụng và áp lực đối với hệ thống ngân hàng, thị trường vốn cần phát triển mạnh hơn, tương xứng hơn.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phục vụ phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 29/9 vừa qua, những mục tiêu “chia lửa” bằng thị trường chứng khoán có những con số cụ thể, với kế hoạch 5 năm đến 2025.
Trước hết, báo cáo nhìn lại một quá trình phát triển của thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam với kết quả vượt cả mong đợi.
Cụ thể, giai đoạn 2010-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường cổ phiếu đạt tới 21,6% và thị trường trái phiếu đạt tới 24,9%. Tính đến cuối năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt 84,1% GDP (vượt mục tiêu của giai đoạn này là 70% GDP); quy mô thị trường trái phiếu đạt 47,83% GDP (vượt xa mục tiêu 30% GDP), trong đó quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 15,75% GDP. Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: “Quy mô thị trường vốn còn nhỏ, thị trường TPDN chưa phát triển”.
Quy mô thị trường vốn tại Việt Nam chưa cân xứng với thị trường tiền tệ, còn khiêm tốn so với khu vực. Cuối 2020, vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam đạt 87% GDP; trong khi Thái Lan là 102,8%; Malaysia 121,6%; Singapore 192%. Tương tự, đến cuối 2020, thị trường trái phiếu Việt Nam đạt 47,83% GDP (TPDN 15,75%); Thái Lan 88,7% (TPDN 23,5%); Malaysia 119,6% (TPDN 56%); Singapore 79,9% (TPDN 36,8%). Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dẫn lại mức độ của đòn bẩy tín dụng nói trên khi nhấn mạnh: “Trong khi đó tín dụng trên GDP của Việt Nam cuối 2020 đã là 146%, tính theo GDP đánh giá lại là 115,82%, đều vượt xa mức vốn hóa của thị trường vốn”.
Vậy nên, Bộ cũng nhấn mạnh đến yêu cầu “Chú trọng phát triển thị trường TPDN. Cơ cấu lại và phát triển thị trường chứng khoán thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân”, trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới, 2021-2025. Theo đó, mục tiêu báo cáo trên đề cập là đến năm 2025 quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 20% GDP. Dù đề là tối thiểu, song điểm “kỳ lạ” là những mục tiêu trên không mấy thay đổi so với tỷ lệ đã đạt được vào cuối 2020, ngoại trừ chỉ tiêu dư nợ TPDN. Và liệu có phải là theo GDP đánh giá lại hay không (?).
Song có thể thấy yêu cầu đặt ra ở trên là mục tiêu cân đối dần quy mô của thị trường vốn so với GDP, thu hẹp mức chênh lệch quá lớn hiện nay so với tỷ lệ tín dụng trên GDP; cũng như phát triển thị trường chứng khoán thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Ở một số chỉ tiêu khác, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng đến số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cần đạt tỷ lệ 5% dân số vào 2025; và tầm của thị trường chứng khoán Việt Nam cần được nâng hạng trên danh sách các thị trường mới nổi trước năm 2025.
Thống đốc đặt vấn đề: Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng, quy mô tín dụng đã rất lớn (dư nợ hiện trên 9,8 triệu tỷ đồng). Việc cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) vẫn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, từ đó luôn tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn), kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).
“Do đó, cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường vốn, từng bước thay thế kênh tín dụng trung dài hạn của hệ thống ngân hàng theo chủ trương và lộ trình của Chính phủ”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mà Thống đốc Nguyễn Thị Hồng ký nêu hướng cân đối.
Báo cáo trên dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới rằng, Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ tín dụng/GDP cao trên thế giới. Tỷ lệ này đã liên tục tăng nhanh những năm qua, từ 122,3% cuối 2016 lên tới 146% cuối 2020. Có một điểm kỹ thuật, cũng theo dữ liệu dẫn trong báo cáo trên, nếu tính theo GDP đánh giá lại thì các tỷ lệ trên được “pha loãng” đáng kể, như đến cuối 2020 chỉ còn 115,82%. Dù vậy, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã và đang liên tục tăng cao. Điều này dồn áp lực lên hệ thống các TCTD, đặc biệt là trong điều kiện thu nhập và sức trả nợ của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19.
Đó là kết quả của quá trình lệch pha kéo dài, khi tăng trưởng tín dụng hàng năm luôn cao hơn nhiều và thậm chí gấp đôi, gấp ba tăng trưởng GDP. Nổi bật năm 2020 và những gì đang diễn ra của 2021, tăng trưởng GDP rất thấp và vừa có quý giảm sâu bởi đại dịch khiến tỷ lệ đòn bẩy tín dụng dự kiến sẽ càng trở nên nóng.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)