Cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn dắt thị trường và thúc đẩy đà tăng của các chỉ số chứng khoán trong nửa đầu năm 2021 nhờ sự bứt phá trong kết quả kinh doanh. Sự điều chỉnh của nhóm cổ phiếu “vua” trong quý III/2021 đang được xem là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy với giá thấp hơn từ 15 – 20% so với vùng đỉnh cuối tháng 6/2021.
Nhìn trên bình diện chung của thị trường trong 9 tháng đầu năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn nằm trong Top cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất, nổi bật trong số đó là SHB, MBB, TCB, STB…, tăng trên 50%; VPB tăng gấp đôi. Ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ phân hóa mạnh và khó tạo ra sóng tăng như nửa đầu năm. Ông Nguyễn Văn Bình, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, nhóm cổ phiếu ngân hàng khởi sắc gần đây do thị trường kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế lớn đang được đề xuất, cộng với việc giá giảm tương đối mạnh trong quý III nên dòng tiền nhập cuộc.
Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng lúc này không dễ mang lại lợi nhuận và dự kiến sẽ có sự phân hóa mạnh. Nhà đầu tư sẽ ưu tiên những cổ phiếu có rủi ro thấp, trích lập dự phòng cao, thay vì lợi nhuận tăng trưởng mà ẩn sau đó là nhiều nợ xấu. Tác động của đại dịch khiến nhu cầu tín dụng giảm do hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc hạ lãi suất cho vay khiến biên lãi ròng giảm, đồng thời nợ xấu tiềm tàng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh ngành ngân hàng.
Dù vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang dần trở về mức định giá hấp dẫn hơn nên các ngân hàng có nền tảng quản trị và công nghệ tốt, tăng trưởng tín dụng cao, hoặc chủ động trích lập dự phòng tỷ lệ lớn sẽ thu hút dòng tiền. Ngược lại, những ngân hàng có bộ đệm vốn mỏng, nợ xấu, nợ có vấn đề tăng mạnh sẽ gặp áp lực bán ra. Để lựa chọn cơ hội đầu tư cổ phiếu ngân hàng, theo ông Dương Văn Chung, Giám đốc chi nhánh Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB, nhà đầu tư có thể lựa chọn 1 trong 2 nhóm.
Nhóm 1 là ngân hàng tư nhân có quản trị tốt sẽ ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do cho vay cá nhân nhiều và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao thì biên lãi ròng sẽ ít bị tác động như Tecombank, MBBank.
Nhóm 2 là ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, nhà đầu tư nên quan tâm đến cổ phiếu có giá giảm mạnh, bởi thông tin kém khả quan có thể đã phản ánh đầy đủ như mã CTG của VietinBank.
Trong quý II/2021, tổng thu nhập hoạt động của 27 ngân hàng niêm yết tăng 8% so với quý I/2021 và tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 6 đầu năm tăng 35,9% so với cùng kỳ; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 56,3% so với quý I và tăng 80,4% so với cùng kỳ; chi phí hoạt động tăng 5,4% so với quý I và tăng 24% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 10,8% so với quý I và tăng 41% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 58,1% so với cùng kỳ. Nhiều ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận đỉnh trong quý II nhờ chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra lớn.
Tuy nhiên, bắt đầu từ quý III/2021, dịch bệnh Covid-19 trở nên phức tạp và tác động mạnh đến nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến nhóm ngân hàng.
Thứ nhất, các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ hai, giãn cách xã hội kéo dài nên tín dụng khó tăng trưởng.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ đúng hạn, thậm chí không thể trả nợ. Ngân hàng Nhà nước dự báo, nợ xấu ngành ngân hàng cuối năm nay có thể tăng lên 8%, từ con số 1,63% của năm 2019, sau khi thực hiện cơ cấu, giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.
Đại diện MBBank chia sẻ, tính đến cuối tháng 9/2021, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng mẹ ước tính cao hơn con số 12% và cao hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 56% trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021.
Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng quý III/2021 có thể giảm 19% so với quý II do tăng trưởng cho vay thấp, chi phí dự phòng tăng… Trong khi đó, báo cáo cập nhật của Công ty Chứng khoán SSI về 8 ngân hàng cho thấy, lợi nhuận quý III/2021 nhiều ngân hàng được dự báo tăng không đáng kể, hoặc giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, SSI dự báo Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 5.000 tỷ đồng, tăng 0,3%; VietinBank đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Trong nhóm ngân hàng cổ phần, SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý III/2021 của VPBank là 3.200 tỷ đồng, giảm 36% so với quý I và tăng 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận quý III/2021 của VIB giảm 16% so với quý II…
Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, kết quả kinh doanh quý III/2021 và diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa theo 2 yếu tố cơ bản. Một là, mức độ giảm lãi vay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Về mặt này, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã và sẽ tiếp tục giảm lãi vay nên không quá bất ngờ nếu mức tăng trưởng lợi nhuận quý III/2021 giảm mạnh so với 2 quý đầu năm. Hai là, mức độ trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế – xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã lên kịch bản kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ về xu hướng nợ xấu trong thời gian tới. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến ở mức 7,1 – 7,7%.
Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước. Nếu không có các thông tư trên, tỷ lệ nợ xấu chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều. Do đó, các ngân hàng quản trị rủi ro kém và có tiền sử nợ xấu sẽ ít thu hút dòng tiền hơn, điều này dự kiến được phản ánh trong báo cáo kinh doanh của nhóm ngân hàng trong quý III và IV/2021.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)