Kho Bạc Nhà nước (KBNN) vừa có thông báo về việc điều chỉnh kế hoạch năm 2021 và kế hoạch đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) quý 4/2021. Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021, KBNN đã điều chỉnh kế hoạch đấu thầu TPCP của năm 2021 từ 350 nghìn tỷ đồng lên 373 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
Đầu năm 2021, để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách trung ương, KBNN cho biết kế hoạch đấu thầu TPCP qua HNX là 350 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là quy mô huy động dự kiến lớn nhất từ trước đến nay tính theo kế hoạch của một năm. Một trong những nguyên do 2021 là năm “đỉnh nợ” của Việt Nam khi tổng mức đáo hạn TPCP lên đến hơn 160 nghìn tỷ đồng.
Theo số liệu từ HNX, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, HNX đã tổ chức 145 đợt đấu thầu TPCP, huy động được 248,738 nghìn đồng, trong đó KBNN huy động được 237,714 nghìn đồng, đạt 67,91% kế hoạch năm 2021. Với khối lượng 23 nghìn tỷ đồng tăng thêm sau khi điều chỉnh, tỷ lệ huy động theo kế hoạch tới hết quý 3 mới đạt khoảng 63,7%, tương ứng còn 135,286 nghìn tỷ đồng TPCP cần huy động trong quý 4.
Gần đây, Bộ Tài chính đã công bố B áo cáo tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 của Chính phủ . Trong đó, do tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, công tác vay, trả nợ công đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, với các khó khăn do dịch bệnh cùng vướng mắc về pháp lý và chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư phục vụ đàm phán, năm 2021 dự kiến chỉ ký được 09 điều ước quốc tế, thỏa thuận vay cụ thể (gồm 02 thỏa thuận vay đã ký kết và 07 thỏa thuận vay hiện đã kết thúc đàm phán) với tổng trị giá khoảng 1 tỷ USD.
Trước đó, trong 9 tháng, Chính phủ đã ký kết 2 hiệp định vay với tổng trị giá khoảng 97,4 triệu USD với Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Áo. Trong khi đó, tổng trả nợ của Chính phủ năm 2021 dự kiến khoảng 365,932 nghìn tỷ đồng (92,8% kế hoạch). Trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 338,415 nghìn tỷ đồng (92,4% kế hoạch); trả nợ nước ngoài của các dự án cho vay lại 27,517 nghìn tỷ đồng, bằng (97,3% kế hoạch).
Để đảm bảo cân đối ngân sách, dự kiến tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2021 vào khoảng 514,297 nghìn tỷ đồng, bằng 82,4% so với kế hoạch. Trong đó, vay trong nước khoảng 463 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 87,8% tổng huy động của Chính phủ (bao gồm 373.000 tỷ đồng phát hành TPCP và 90 nghìn tỷ đồng huy động từ nguồn ngân quỹ nhà nước). Vay nước ngoài từ nguồn ODA và ưu đãi 51,297 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 53,0% so với kế hoạch (cấp phát 33,898 nghìn tỷ đồng, cho vay lại 17,399 nghìn tỷ đồng).
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nhận định trước áp lực huy động vốn tăng nhanh, rủi ro đảo nợ của Chính phủ có thể gia tăng dù nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN hiện đang được Chính phủ điều hành, đảm bảo trong phạm vi mức trần Quốc hội phê duyệt.
Trong quý 4, KBNN dự kiến tổng mức phát hành theo kế hoạch là 135 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Trong đó khối lượng phát hành nhiều nhất ở kỳ hạn 15 năm với 50 nghìn tỷ đồng, và khối lượng ít nhất ở kỳ hạn 7 năm với chỉ 5 nghìn tỷ đồng.
Trong quý 3, KBNN đã phát hành được 96,221 nghìn tỷ đồng TPCP, tương ứng với 80,2% kế hoạch của quý. Gần nhất, ở tháng 9, KBNN đã tổ chức được 20 đợt đấu thầu TPCP với tổng giá trị trúng thầu đạt 38,458 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ hấp thụ đạt 80%. So với cuối tháng 8/2021, lãi suất huy động TPCP giảm tại các kỳ hạn 5, 7 và 20 năm với mức giảm từ 0,02 – 0,08%/năm, song tăng tại kỳ hạn 10 và 15 năm với mức tăng 0,07 – 0,09%/năm, giữ nguyên tại kỳ hạn 30 năm. Trên thị trường thứ cấp, tính đến hết quý 3, thị trường TPCP có tổng dư nợ đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2020. Tổng giá trị giao dịch đạt 2.021,486 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10,986 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 6,97% so với năm 2020. Trong đó, giá trị giao dịch mua đi bán lại (repos) chiếm 27,73% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Với điều chỉnh trên, ngân sách năm nay dự kiến tăng vay thêm 23 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, theo kế hoạch phát hành điều chỉnh, khối lượng phát hành tăng ở một số kỳ hạn (5 năm, 10 năm, 30 năm) trong khi đó giảm ở các kỳ hạn còn lại (7 năm, 15 năm, 20 năm). Trong đó, kỳ hạn 5 năm tăng khối lượng thêm 15 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm tăng thêm 25 nghìn tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm tăng thêm 15 nghìn tỷ đồng. Ở chiều ngược lại các kỳ hạn 7 năm, 15 năm và 20 năm lần lượt giảm khối lượng phát hành: 5 nghìn tỷ đồng, 10 nghìn tỷ đồng và 7 nghìn tỷ đồng.
PV
(Tổng Hợp)