Kinh doanh tín dụng, ngoại hối… dự báo sụt giảm, bancassurance được coi là động lực tăng trưởng cuối năm cho ngành ngân hàng.
Rủi ro chính đe dọa không chỉ của ngành ngân hàng và các ngành kinh tế khác, vẫn là việc xuất hiện các biến thể virus mới khiến giãn cách xã hội tiếp tục lặp lại, cản trở tăng trưởng tín dụng và áp lực gia tăng nợ xấu.
Nửa đầu năm, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết vẫn giữ vững tăng 36,2% so với trong quý 2/2021 và tăng 55,5% trong 6 tháng của năm 2021. Kết quả giảm lãi suất cho vay của 16 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố mới đây, cho thấy từ ngày 15/7 đến 31/8, số tiền lãi đã giảm cho khách hàng lũy kế của 16 ngân hàng thương mại chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank đã đạt 8.865 tỷ đồng, tương ứng 43,01% so với cam kết.
Trong số đó giảm nhiều nhất là Agribank với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.726 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,06 triệu tỷ đồng cho trên 3 triệu khách hàng. Vietcombank cũng đang thực hiện đợt giảm lãi suất thứ 8 bắt đầu từ ngày 18/8 kéo dài đến cuối năm. Chương trình này áp dụng cho tất cả các khách hàng tín dụng doanh nghiệp và cá nhân tại 19 tỉnh, thành phố miền Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể, Vietcombank cắt giảm lãi suất lên đến 0,5% mỗi năm cho tất cả các khoản dư nợ tại TP. Hồ CHí Minh và tỉnh Bình Dương.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn ngành ngân hàng cuối tháng 6 tăng 6,44% so với đầu năm, từ mức 2,95% cuối tháng 3/2021 và gần gấp đôi mức tăng 3,65% của nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, tín dụng đang tăng chậm lại trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tháng 7 và 8, tín dụng chỉ tăng thêm 0,9%, nâng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên 7,4% so với đầu năm.
Nếu như tỷ trọng phí thu từ kênh bancassurance trong tổng phí bảo hiểm năm 2012 chỉ khiêm tốn ở mức 5%, nhưng trong nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này đã lên tới 28,8%. Số liệu thống kê cho thấy so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, doanh thu từ kênh bancassurance hiện nay đã xấp xỉ doanh thu từ kênh đại lý. Song, theo giới chuyên gia, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia như: Tây Ban Nha 72%, Italia 70%, Pháp 60%. Dư địa tăng trưởng của kênh phân phối bancassurance vẫn còn rất lớn. Nhiều chuyên gia kỳ vọng việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền và doanh thu bancassurance sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2021.
Nhìn lại năm 2020, nhiều thương vụ lớn giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm đã được ký kết thành công. Bancassurance trở thành “cứu tinh” của hàng loạt nhà băng khác.
Trước tác động tiêu cực của đợt dịch bùng phát kéo dài, trong báo cáo về ngành ngân hàng mới được công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống mức 10-12% từ mức 13% trước đó, phản ánh khả năng cầu tín dụng chưa phục hồi sau giãn cách. Dù chưa có báo cáo tài chính của bất kỳ ngân hàng nào được công bố nhưng Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng dự báo bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng sẽ “kém sắc” vào quý 3.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài kể từ giữa tháng 7 đến nay, dù ngành bảo hiểm có “kháng thể” trước Covid khi giữ vững đà tăng hai con số trong suốt nửa đầu năm 2021, nhưng nhiều khả năng doanh thu bán bảo hiểm sẽ chậm lại trong quý vừa qua.
Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 dài nhất cùng với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất được áp dụng tại các khu kinh tế trọng điểm. Dữ liệu vĩ mô mới công bố cho thấy các hoạt động kinh tế đang rơi vào thời kì suy yếu và triển vọng bi quan về quỹ đạo tăng trưởng của quý 4/2021 cho đến khi số ca mắc mới hàng ngày giảm đáng kể so với mức hiện tại và tỷ lệ tiêm chủng tăng cao.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)