Sự khởi sắc của thị trường chứng khoán được duy trì nên việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có triển vọng được nhận định sẽ không quá khó. Thậm chí, giá một số cổ phiếu trên sàn tăng mạnh sau khi có thông tin về thoái vốn như VNR, BMI.
Để đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nộp về ngân sách nhà nước đáp ứng kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 là 248.000 tỷ đồng, Cục Tài chính doanh nghiệp đề xuất Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung hoàn thành việc cổ phần hóa công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông MobiFone trong giai đoạn 2022 – 2023 (tỷ lệ Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa là 51%, dự kiến số thu theo mệnh giá là 9.255 tỷ đồng).
Trong năm 2023 – 2024, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước triển khai và hoàn thành công tác cổ phần hóa công ty mẹ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (tỷ lệ Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa là 51%, dự kiến số thu theo mệnh giá là 30.759 tỷ đồng); công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (tỷ lệ Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa là 51%, dự kiến số thu theo mệnh giá là 7.068 tỷ đồng).
Cục Tài chính doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trong năm 2022 và đầu năm 2023 (tỷ lệ Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa là 51%, dự kiến số thu theo mệnh giá là 19.847 tỷ đồng); Bộ Xây dựng hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) và Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) trong giai đoạn 2022 – 2024.
Phương thức được SCIC lựa chọn chủ yếu là thoái vốn cả lô, đấu giá cạnh tranh qua Sở giao dịch chứng khoán. Cách bán như vậy sẽ hạn chế tình trạng rơi rớt lại cổ phần không bán hết, gây khó khăn cho công tác quản lý sau này. Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 dự kiến không đạt kế hoạch. Trong 8 tháng đầu năm, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 366 tỷ đồng, trong khi dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Thủ tướng giao kế hoạch thu tiền từ bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp do Trung ương quản lý là 40.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp nhỏ, có khả năng dễ bán sẽ được SCIC tập trung triển khai thoái vốn trong quý IV/2021, còn các doanh nghiệp lớn dự kiến thực hiện thoái vốn trong quý I/2022.
Dự kiến, 6 doanh nghiệp do SCIC quản lý sẽ thực hiện công tác thoái vốn trong quý I/2022 bao gồm: Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 2.308 tỷ đồng; Công ty cổ phần FPT, giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 460,1 tỷ đồng; BMI, giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 463,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP), giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 437 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR), giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 529 tỷ đồng; Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 160 tỷ đồng.
Với giá trị cổ phiếu niêm yết tham chiếu trên sàn giao dịch chứng khoán ngày 23/8/2021, Cục Tài chính doanh nghiệp xây dựng 2 kịch bản dự kiến nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2022.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)