Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với số lao động về quê ồ ạt trước thời điểm địa phương có hoạt động kiểm soát di chuyển, đặt ra việc sắp xếp lại nhân sự, lao động tại doanh nghiệp là một vấn đề trọng yếu.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì hoạt động, doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.
Bên cạnh đó, với việc nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, tăng cường công tác tiêm ngừa vaccine Covid-19, cùng với sự hỗ trợ của thành phố trong việc chuẩn bị phương án đón người lao động ở các tỉnh/thành thuận tiện, an toàn quay trở lại làm việc, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ có nhiều khả quan hơn, kỳ vọng thị trường lao động thành phố sẽ từng bước phục hồi và sớm khởi sắc trở lại, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cuối năm là khung thời gian quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng nâng cao hiệu quả năng suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Song song đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng theo mùa, trước và sau Tết Nguyên đán hoặc sau giãn cách cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới.
Dự kiến nhu cầu nhân lực quý 4 năm 2021 cần khoảng 43.654 – 56.869 chỗ làm việc, nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động bán thời gian, tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: kinh doanh – thương mại, dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ, công nghệ thông tin; cơ khí – tự động hoá; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng, dịch vụ thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng, du lịch – nhà hàng- khách sạn, kỹ thuật điện – điện lạnh – điện công nghiệp – điện tử, công nghệ lương thực – thực phẩm, kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, dệt may- giày da,…
Theo Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, dự báo, thời gian tới có thể thiếu từ 40.000-50.000 lao động. Bình Dương hiện có số lao động khoảng 1,2 triệu người với khoảng 50.000 doanh nghiệp. Thời gian qua chỉ có khoảng 3.500 lao động tại chỗ, với khoảng 250.000 người, như vậy khoảng 750.000 lao động đã phải ngừng việc. Thị trường lao động TP.HCM ảnh hưởng nặng nề dưới tác động của dịch bệnh, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập. Tuy nhiên, để duy trì lượng đơn hàng, các doanh nghiệp đã ra sức giữ chân lao động cũ cũng như tuyển dụng lao động bổ sung phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đã tạo ra một luồng dịch chuyển lao động lớn. Hàng ngàn lao động đã “tháo chạy” về quê do mất việc, không đủ tiền để trụ lại thành phố. Thực trạng này cảnh báo sẽ gây ra tình trạng thiếu lao động tại các doanh nghiệp.
Thực sự, không thể cấm đoán, ngăn chặn hay dùng các biện pháp mạnh để giữ người dân ở lại TP. Bởi trong 4 tháng qua, rất nhiều người lao động đã cùng chia sẻ với chính quyền, chịu “ở yên tại chỗ” để phòng chống dịch bệnh và giờ họ đã “sức cùng lực kiệt”. Sẽ không thể có phương án tối ưu nhất cho tất cả người lao động khi mà dịch bệnh đã xuyên thủng vào nhiều thành trì sản xuất lớn, đã bào mòn sức người, của cải tích lũy, nên chúng ta chỉ có thể chọn phương án ít xấu nhất.
Vì vậy, trước hết rất cần vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, công đoàn… trong truyền thông, vận động, sát cánh cùng người lao động. Cần phân loại nhu cầu của người dân để có phương án phù hợp nhất cho từng gia đình, từng người lao động. Với những nhóm lao động vẫn mong muốn bám trụ lại TP, cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng dễ bị tổn thương như lao động tự do, lao động thời vụ, lao động bị mất việc trong nhiều tháng… Sự quan tâm đó không chỉ là những hỗ trợ về vật chất như nhà trọ 0 đồng, các gói an sinh, hỗ trợ tiền mặt, tiêm vắc xin… để người lao động ổn định tâm lý, được an toàn mà còn cần phải tạo việc làm, mưu sinh trong ngắn hạn để giảm bớt khó khăn.
Còn những người dân mong muốn về quê vì không còn lựa chọn nào khác, các địa phương cần phối hợp để hỗ trợ người dân trở về “có trật tự, an toàn” như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thay vì lo ngại người dân về quê có thể làm bùng phát thêm dịch bệnh, các địa phương hãy phối hợp thật tốt để đưa đón người về, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời, cần nhìn nhận cuộc di chuyển lao động quy mô lớn hiện nay như một cơ hội nhằm khai thác tốt hơn nguồn lực lao động phục vụ cho nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Hiện có rất nhiều khu công nghiệp ở địa phương đang thiếu lao động, nên việc lao động hồi hương có thể là nguồn lực tốt bổ sung cho các khu công nghiệp, nhà máy này. Trên cơ sở đó, cần phân bổ lại lao động giữa các vùng miền theo hướng ly nông bất ly hương.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)