Ngày 5-10, một nguồn tin xác nhận với Báo chí rằng không có chuyện Nike Việt Nam đóng cửa các nhà máy để dời sang quốc gia khác như một số trang báo nước ngoài thông tin. Theo nguồn tin này, Nike chỉ dịch chuyển đơn hàng sang nước khác nhằm ứng phó với giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Chuỗi cung ứng của Nike nằm ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, khi các tỉnh phía Nam Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, các nhà máy của doanh nghiệp (DN) này với hàng chục ngàn công nhân không thể triển khai “3 tại chỗ” và phải tạm đóng cửa. Việc dịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác giúp chuỗi cung ứng không bị gián đoạn quá lâu và vẫn bảo đảm đúng tiến độ giao hàng cho đối tác. Do đó, không có chuyện chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam.
Liên quan đến việc Nike chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam, một chuyên gia kinh tế phân tích việc nhà máy sản xuất của Pou Chen’s Corp với hơn 30.000 công nhân chuyên sản xuất gia công cho Nike đã tạm ngừng hoạt động 3 tháng nay và chỉ vừa khởi động lại từ đầu tháng 10 này thì chắc chắn trong vòng 2 tháng tới không thể đáp ứng được đơn hàng cho Nike. Do đó, việc Nike tìm thị trường thay thế có thể đáp ứng nguồn cung, tiến độ giao hàng trong lúc này là việc phải chấp nhận.
Không chỉ Nike mà Adidas cùng một số nhà sản xuất đa quốc gia cũng đang tổn thất lớn do ảnh hưởng dịch Covid-19 tại Việt Nam và đang phải tìm cách nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn vì Covid-19 thời gian qua. Việc dịch chuyển các đơn hàng có thể xem là lời cảnh báo cho Việt Nam trong việc cần đưa ra các giải pháp phù hợp để giữ chân DN FDI, nếu không sẽ xảy ra sự dịch chuyển thực sự. Bởi nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và nhiều nhà đầu tư khác đang tìm hiểu môi trường đầu tư đều đánh giá nếu sớm trở lại trạng thái bình thường mới thì Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn, đầy hứa hẹn so với các nước còn lại trong khu vực. Tín hiệu lạc quan đến từ con số thu hút vốn FDI 9 tháng năm 2021 vẫn đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Các nhà máy của Nike Việt Nam ở khu vực phía Nam đều hy vọng nhận đủ vắc-xin ngừa Covid-19 cho công nhân để sớm khôi phục sản xuất như trước. Để giảm chi phí, các nhà máy của Nike Việt Nam đề nghị các địa phương tránh xét nghiệm quá rộng ở những khu vực nguy cơ thấp và không đóng cửa DN nếu có F0. Được biết, chuỗi cung ứng của Nike bao gồm 38 quốc gia. Ở Thái Lan, số lượng bệnh nhân Covid-19 cao gấp 3 lần ở Việt Nam nhưng chưa có nhà máy nào của Nike phải đóng cửa. Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch nhưng hầu hết các nơi chỉ ngừng hoạt động trong khoảng 3 tuần và dây chuyền sản xuất được khôi phục rất nhanh chóng.
Trước đó, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin một số hãng quần áo và giày dép của Mỹ đã đóng cửa các nhà máy tại Việt Nam và đang dịch chuyển sản xuất sang các nước khác do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một số thương hiệu như PacSun, Nike còn khuyến cáo về ảnh hưởng nguồn cung hàng hóa từ các biện pháp phòng dịch tại Việt Nam. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến các DN và nhà đầu tư ở Việt Nam. Theo đài CNN, Nike hiện sản xuất khoảng 3/4 tổng sản phẩm giày của họ tại Đông Nam Á, trong đó lần lượt tại Việt Nam và Indonesia là 51% và 24%. Từ cuối tháng 7 đến tháng 9, nhiều nơi tại Việt Nam áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch Covid-19, gồm việc yêu cầu các nhà máy đóng cửa nếu không đáp ứng yêu cầu về “3 tại chỗ”.
Đến nay chưa có việc dịch chuyển các nhà máy của DN FDI khỏi Việt Nam. Bởi, việc dịch chuyển một nhà máy đang hoạt động tại quốc gia này sang một quốc gia khác là không đơn giản, có thể mất hàng năm trời. Nhiều DN FDI cũng nhìn nhận việc dời một nhà máy sản xuất từ quốc gia này sang quốc gia khác đòi hỏi nhiều yếu tố, phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của DN và rất khó triển khai trong thời gian ngắn. Do đó, dịch chuyển đơn hàng mang yếu tố ngắn hạn nhiều hơn.