Trước khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, dòng người lao động xuất cư theo “chốn cũ quay về” bỏ lại biết bao dự định, kỳ vọng về một cuộc bức phá đổi đời ở nơi đất khách.
Chặng đường phía trước của người dân trong cuộc hồi hương bất đắc dĩ sẽ là những lo toan về “miếng cơm, manh áo”, chuyện học hành và tương lai của các con, để một thế hệ nối tiếp bớt phần cơ cực.
Quy luật cuộc sống là chỗ nào tốt thì người ta tìm đến, không cần nói nhiều, không cần vận động. Làn sóng người lao động rời quê ra phố lập thân, lập nghiệp, mưu sinh trong những thập niên vừa qua cũng chính là kết quả và hệ quả của quy luật này. Mà để làm được điều đó thì doanh nghiệp phải chấp nhận hy sinh. Đừng vội đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận vào lúc này, mà phải nghĩ cách thu hút nhân lực để tái khởi động chuỗi vận hành sản xuất kinh doanh trước đã. Phải dũng cảm chấp nhận bù lỗ năm đầu để tạo đà cho những năm tiếp theo. Tư duy “bóc ngắn cắn dài” kiểu trước đây sẽ không còn đắc dụng trong tình hình mới.
Đó là phân tích dưới góc độ lợi ích doanh nghiệp, lợi ích kinh tế cục bộ của địa phương. Còn với tổng thể của nền kinh tế đất nước, xu hướng tản cư chính là cơ hội để tái cấu trúc kinh tế vĩ mô để phải làm sao vừa tiếp tục có giải pháp tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của những thành phố, trung tâm kinh tế lớn; vừa tiếp tục tái cấu trúc, hỗ trợ các địa phương khác phân bố lại lao động và dân cư hợp lý hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, bình quân một tháng có đến 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trên phương diện lao động và việc làm, trong quý III/2021, có 2,4 triệu lao động mất việc, đằng sau 2,4 triệu người lao động mất việc cũng là sinh kế của ngần ấy gia đình. Đó là một con số khủng khiếp, rung lên hồi chuông báo động cho chính sách an sinh, đe doạ sự bình yên của xã hội và của mỗi gia đình.
Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2020 do Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam và Trường chính sách Công và Quản lý Fulbright cho biết, trong giai đoạn 2009 – 2019, vùng ĐBSCL có 1,1 triệu người xuất cư, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng. Do đó mà tỷ lệ tăng dân số của vùng này gần bằng 0% trong hơn một thập kỷ qua, trong khi tỷ lệ tăng dân số bình quân cả nước cả nước là 1,14%/năm. Nguyên nhân chính của tình trạng xuất cư cao là do khu vực này thiếu việc làm hoặc việc làm cho thu nhập thấp hơn nhiều so với vùng công nghiệp phát triển như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
“Những kết luận rút ra từ nghiên cứu này là hơn ba thập kỷ qua, mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng …Mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình”, Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năn 2020 đã nhận định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn. Tỷ lệ này tại 19 tỉnh thành phố phía Nam lên đến 98%. Phần lớn các doanh nghiệp cho biết, họ khó có thể trụ thêm 3 – 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện.
Người tự phát về quê, địa phương đã kích hoạt tất cả các khu cách ly nhưng cũng chỉ đáp ứng được ngần ấy, nếu bà con mình tiếp tục kéo nhau về quê thì nguy cơ “vỡ trận” hệ thống y tế, thiếu cơ sở cách ly là khó tránh khỏi. Phương án tối ưu chỉ có giá trị mang tính thời điểm. Nó không thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh, vì vậy, khi mục tiêu thay đổi, phương án sẽ thay đổi theo.
Về hiện tượng công nhân, người lao động tản cư ồ ạt hiện nay, ta thấy, họ phải về quê vì không còn lựa chọn nào tốt hơn. Vậy thì muốn giữ chân họ, không thể cứ vận động, phong tỏa. Mà kể cả có vận động, phong tỏa thì cũng chỉ giữ được thể xác chứ không ai giữ được tinh thần, động lực của họ được. Như vậy, yếu tố quyết định để thu hút, giữ chân nguồn lao động cho các KCN, KCX hiện nay nằm ở thái độ phản ứng, chế độ vận hành, chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp và địa phương chứ không phải ở đôi chân, ý thức của người lao động.
Từ đó suy ra, để giải quyết thiếu hụt lao động sau dịch, doanh nghiệp, địa phương phải bắt đầu ngay việc tái khởi động bằng một chiến lược hoàn toàn mới. Không thể lấy khuôn mẫu vận hành doanh nghiệp trước dịch để mong giữ chân công nhân. Chìa khóa để doanh nghiệp thực hiện chiến lược này chính là truyền thông trung thực và mạnh mẽ các chính sách, chế độ đãi ngộ cho công nhân. Doanh nghiệp phải cam kết trả lương cao, có các chính sách dân sinh, nhân đạo tiến bộ, có các khoản phúc lợi hấp dẫn… người lao động ắt sẽ tự quay trở lại và tự tìm đến.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)