Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm không thấy đáy, nhiều nhà đầu tư băn khoăn với câu hỏi “liệu đây đã là đáy của nhóm cổ phiếu vua từ nay tới cuối năm?”, hay nên tiếp tục nằm giữ hay “cutloss” để chuyển sang những nhóm ngành khác có triển vọng hơn nhằm tối ưu hoá lợi nhuận.
Sau một khoảng thời gian tăng trưởng nóng vào đầu năm, cổ phiếu các nhà băng đã trải qua một đợt điều chỉnh khá dài từ cuối tháng 6 đến nay và dần ổn định, phù hợp hơn với định giá chung của thị trường. Với mức P/E và P/B trung bình lần lượt là 15x và 1,89x, nhóm cổ phiếu này đã ở vùng định giá khá hấp dẫn so với thị trường chung và mức định giá ngân hàng hồi đầu năm.
Cổ phiếu nhóm ngân hàng đang chịu tác động ngắn hạn từ những lo ngại về giảm lãi suất, dẫn tới lợi nhuận giảm hay rủi ro nợ xấu gia tăng, các nhà băng buộc phải tăng trích lập dự phòng. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, đây vẫn là nhóm có triển vọng kinh doanh tăng trưởng ổn định hơn hầu hết các ngành nghề khác trong đại dịch Trong khi số lượng doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động không ngừng gia tăng thì ngân hàng là ngành gần như duy nhất hoạt động 24/7. Nhiều nhà băng đã được NHNN cấp thêm room tín dụng để tăng trưởng mạnh về cuối năm – là yếu tố tích cực thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng trở lại.
Hiện có hơn một nửa ngân hàng mức P/B hiện về dưới 1,7x và có 7 ngân hàng có mức P/B bằng 1,5x và dưới 1,5x là CTG, STB, VBB, SGB, ABB, VAB, NAB. Mức định giá này hiện thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới; thấp hơn so với mức trên P/B trên 2.x hồi đầu năm của nhóm ngân hàng trong nước; và thấp hơn mức P/B chung của thị trường khoảng 1,8x.
VN-Index chốt phiên đầu tuần tăng 4,65 điểm lên 1.339,54 điểm. Mức tăng điểm có thể còn cao hơn nhiều nếu như không chịu áp lực lớn từ nhóm ngân hàng, vốn chiếm tới 30% vốn hoá toàn thị trường. Trong 27 ngân hàng niêm yết, chốt phiên chỉ có 2 mã tăng điểm là SHB và BID, 1 mã đứng yên, còn lại đều suy giảm, dẫn đầu là NVB (-6,2%), CTG (-3,5%), EIB (-3,3%), VIB (-3,1%). Xu hướng giảm mạnh đã kéo nhiều mã về vùng đáy 6 tháng, thậm chí trước cả thời điểm VN-Index vượt 1.200 điểm vào đầu tháng 4/2021.
Lợi nhuận đi xuống nợ xấu đi lên
lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III/2021 có thể giảm 19% so với quý II, do tăng trưởng cho vay thấp, chi phí dự phòng dự kiến tăng 20%. Trong khi đó, biên lãi ròng (NIM) giảm do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thu nhập phí trong quý III được kỳ vọng sẽ tăng, nhưng thu nhập lãi thuần có khả năng giảm 2% so với quý II/2021.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2021 của Vụ Dự báo thống kê (NHNN), khác với xu hướng phổ biến trong các quý cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021 là “cải thiện nhẹ”, riêng trong quý III/2021, tình hình kinh doanh của hệ thống được các TCTD đánh giá là có chiều hướng “suy giảm” so với quý trước. Trong thời gian tới, có 54% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2021, thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (67,6-73,3%). Chỉ có 40,6% kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý IV sẽ tăng trưởng so với quý III.
Lần đầu tiên kể từ khi NHNN thực hiện điều tra Xu hướng kinh doanh theo quý (từ quý I/2014), hệ thống TCTD cho biết, lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả hoạt động kinh doanh (thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập từ hoạt động tự doanh) trong quý điều tra có chiều hướng “suy giảm” so với quý trước. Nhưng xét tổng thể cả năm 2021, 83,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 13,3% lo ngại lợi nhuận giảm.
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong quý III được các TCTD nhận định có chiều hướng tăng nhẹ so với quý II/2021. Theo đó, có 50,5% TCTD nhận định mặt bằng rủi ro tăng trong quý III/2021, 33,7% dự báo tăng trong quý IV/2021 và 50,5% dự báo tăng trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ các TCTD nhận định ở kỳ điều tra trước (tương ứng 27,2%, 23,3% và 39,8%). Đồng thời, tỷ lệ TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở “mức cao và khá cao” tiếp tục tăng từ mức 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2014. Dẫu vậy, các TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ “giảm nhẹ” trong quý cuối năm nay và trở về mức ổn định tính đến cuối năm 2021.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)