Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện mới đây cho biết, theo nhận định của các Tổ chức tín dụng (TCTD), trong quý III/2021, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức “thấp” và “giảm” so với quý trước. Trong đó, nhu cầu gửi tiền giảm mạnh.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố gần đây, đến ngày 20/9/2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (7,48%). Và trước đó, theo số liệu của NHNN, tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp tại hệ thống TCTD tăng 3,59% trong 7 tháng đầu năm, thấp hơn rất nhiều so với mức cùng kỳ những năm trước.
Đồng thời, tăng trưởng tiền gửi đang chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021. Trước đó, cùng kỳ năm 2020, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,99%. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng, huy động vố toàn hệ thống sẽ phục hồi, tăng bình quân 4,6% trong quý IV/2021 và tăng 10,4% trong năm 2021. Tuy nhiên, mức kỳ vọng này đã giảm so với mức kỳ vọng 11,9% tại kỳ điều tra trước. Dự báo năm 2022, huy động vốn của toàn hệ thống TCTD tăng trưởng 12,6% (điều chỉnh giảm so với mức tăng trưởng dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước).
Mặc dù tiền gửi tăng trưởng rất thấp nhưng theo các chuyên gia, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, việc nhu cầu gửi tiền của người dân giảm mạnh cũng đặt ra những lo ngại trong thời gian tới. Tại Diễn đàn “Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19: Từ chính sách đến thực tiễn” do Tạp chí Hải quan tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có nhận định, từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi dân cư đến các TCTD giảm, nên khả năng huy động vốn cũng có chiều hướng giảm. Điều này kéo theo nguy cơ khó khăn về nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch bệnh, dẫn tới áp lực thanh khoản có thể xảy ra trong tương lai.
Các TCTD kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi trở lại trong Quý IV/2021 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Đánh giá chung cả năm 2021, các TCTD đã thu hẹp kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng “tăng” cao hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Trong quý cuối năm nay, các ngân hàng ước tính dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng khoảng 4%, nâng mức tăng cả năm lên 12,3%, tương đương năm 2020 (12,13%). Tuy vậy, mức dự báo này đã thấp hơn so với kỳ vọng trước đó các ngân hàng đưa ra là 13,1% cho cả năm nay. Về kết quả kinh doanh quý cuối năm, khác với các quý cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các ngân hàng cho biết tình hình kinh doanh trong quý III năm nay đã suy giảm so với quý trước. Cũng chỉ có khoảng 54% tổ chức tín dụng tin rằng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn và trong quý IV và cả năm nay, trong khi trước đó có trên 70% tổ chức tín dụng đưa ra dự báo này.
Theo Vụ dự báo, thống kê, lần đầu tiên kể từ khi NHNN thực hiện điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (từ năm 2014), hệ thống ngân hàng cho biết lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả kinh doanh (thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập từ hoạt động tự doanh) có chiều hướng suy giảm so với quý trước. Trong quý IV năm nay, khoảng 40% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng so với quý III, trong khi gần 60% các tổ chức còn lại dự kiến kết quả kinh doanh sẽ giảm hoặc đi ngang. Nếu tính trong cả năm nay, có khoảng 84% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương, 3% dự kiến không đổi và 13% dự báo giảm. Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong Quý II và Quý III/2021/, các TCTD đánh giá các nhân tố khách quan ít có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn các quý trước.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)