Cục Hàng không cũng nhìn nhận chính sách này có hạn chế là chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng không cùng một mặt bằng, nên khó cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho cả thị trường. Tuy nhiên, đây là chính sách mang tính khẩn cấp, chỉ áp dụng trong ngắn. Về phía các hãng hàng không, đã có 3/5 hãng đồng thuận với phương án quy định sàn giá vé máy bay theo đề xuất của Cục Hàng không…
Về phía các hãng hàng không, đã có 3/5 hãng đồng thuận với phương án quy định sàn giá vé máy bay theo đề xuất của Cục Hàng không, gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Bamboo Airways. Trong khi có 2 hãng không đồng thuận giải pháp này là Vietjet và Vietravel Airlines.
Sau khi lấy ý kiến các hãng hàng không, Cục Hàng không vừa trình Bộ GTVT liên quan tới đề xuất Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Cơ quan này đề xuất áp dụng trong 12 tháng, từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022. Cục Hàng không tính toán, chi phí bình quân các hãng khai thác đường bay Hà Nội – TPHCM là khoảng 1,5 triệu đồng/ghế, tương đương bằng 47% giá trần đang áp dụng. Từ đó, cơ quan này đề xuất mức giá sàn vé máy bay nội địa bằng 20% giá trần, và bằng 43% chi phí bình quân khai thác.
Với đề xuất trên, áp dụng thực tế đường bay Hà Nội – TPHCM/Đà Lạt sẽ có giá vé thấp nhất 640.000 đồng/chiều (chưa bao gồm thuế, phí); đường bay như Hà Nội – Cần Thơ/Phú Quốc/Côn Đảo có giá tối thiểu 750.000 đồng/chiều (chưa gồm thuế phí)… Cơ quan đề xuất cho rằng, giá sàn vé máy bay chỉ là biện pháp tình huống, áp dụng trong thời gian ngắn (cụ thể là 12 tháng), để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng – hãng hàng không – nhà nước.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng dẫn trường hợp có 1 số nước đang áp dụng giá sàn vé máy bay, như Indonesia (giá sàn bằng 35% giá trần) để đảm bảo an toàn khai thác; Ấn Độ (giá sàn bằng 33-35% giá trần áp dụng tới tháng 3/2021); Trung Quốc (từng áp dụng giai đoạn 2004-2013). Ngoài ra, năm 2013, Việt Nam cũng ap dụng thí điểm chính sách giá sàn dịch vụ bốc dỡ container tại cụm cảng nước sâu Cái Mép- Thị Vải để tránh cạnh tranh không công bằng về giá… Cục Hàng Hải Việt Nam đánh giá, chính sách giá sàn vé máy bay không những giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, còn giúp doanh nghiệp hàng không có thêm nguồn thu tái đầu tư, tăng nguồn vốn tích luỹ.
Hãng Hàng không Vietjet bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tối thiểu (giá sàn) vé máy bay trên các tuyến bay nội địa. Theo lý giải của hãng này, quy định về giá sàn vé máy bay nội địa trong thời điểm hiện nay sẽ hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là những người bị mất việc làm và thu nhập do đại dịch COVID-19 khi có nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không. Hơn nữa, đề xuất áp sàn giá vé máy bay đồng nghĩa với việc bắt buộc các hãng hàng không đồng loạt nâng giá vé trong khi đi lại là yếu tố thiết yếu trong chi phí sản xuất. Việc tăng giá vé máy bay không những làm khách nội địa giảm mà lượng khách quốc tế cũng giảm theo do chi phí du lịch tăng cao, kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Điều này có khả năng gây “hiệu ứng cánh bướm”, ảnh hưởng đến lạm phát.
Chưa kể, lượng khách bùng nổ trong thời gian qua của hãng hàng không chi phí thấp không những có lợi cho hãng hàng không, mà còn góp phần không nhỏ vào ngân sách Nhà nước từ các khoản nộp thuế, thu hộ, thu từ ngành phụ trợ… Nếu áp dụng giá sàn khiến nhu cầu đi lại sụt giảm, nguồn thu quốc gia từ hoạt động hàng không sụt giảm và kéo theo hệ luỵ tới các ngành phụ trợ, dịch vụ.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)