Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay, nhưng các biện pháp hỗ trợ khác, trong đó bao gồm tăng hạn mức tín dụng sẽ tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thể giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay…
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020, và tương đương với mức tăng 14,9% so với cùng kỳ.
Như vậy, mặc dù giảm tốc trong hai tháng trở lại đây, nhưng nhìn chung mức tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm vẫn tương đối tích cực trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Theo các chuyên gia kinh tế, động lực cho tăng trưởng tín dụng 8 tháng phần nào nhờ việc cắt giảm lãi suất cho vay và các gói hỗ trợ cho vay giúp khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh từ khối ngân hàng thương mại trong thời gian qua.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,55%/năm tính đến cuối tháng 9 năm nay và giảm tổng cộng 1,55%/năm so với thời điểm trước dịch. Trong khi đó, kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước hầu như không có hoạt động điều tiết nào trên thị trường mở. Điều này thể hiện quan điểm duy trì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào của nhà điều hành (Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn bơm tiền đồng qua kênh mua ngoại tệ) và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhờ vậy ở mức thấp.
Chốt phiên giao dịch hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 – 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên cuối tuần trước. Cụ thể, các mức lãi suất giao dịch tại: qua đêm 0,69%; 1 tuần 0,81%; 2 tuần 0,92% và 1 tháng 1,16%. Mới đây, phát biểu tại một buổi họp Chính phủ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và điều chỉnh lãi suất phù hợp theo đúng cam kết.
Lần gần nhất giải pháp hỗ trợ lãi suất được Nhà nước sử dụng là vào đầu năm 2009. Khi đó, Việt Nam phải chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với sự sụp đổ của nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới mà Lehman Brother là một ví dụ. Lúc đó, những đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ, Nhà nước sẽ chi trả 4% lãi suất cho ngân hàng. Ví dụ, ngân hàng cho vay 1 dự án lãi suất 10%/năm thì Nhà Nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp 4%; 6% còn lại doanh nghiệp tự trả, giảm chi phí tính lãi được 4%. Gói hỗ trợ này trị giá 1 tỷ USD (khoảng 17.000 tỷ đồng lúc đó) được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
Ngay khi chính sách trên có hiệu lực, lập tức rất nhiều vấn đề đã phát sinh. Cụ thể, khác với tín dụng thông thường, khoản vay tại đây bị pha trộn thêm “yếu tổ nhà nước” nên Ngân hàng Nhà nước buộc phải kiểm tra giám sát chặt chẽ.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/08/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng.
Kết quả ước tính doanh thu năm 2021 (năm dịch bệnh thứ hai) tiếp tục giảm so với năm trước đó, dự báo tình trạng “kiệt quệ” về tài chính của rất nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới nếu không có những giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)