Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa có báo cáo phân tích lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý 3/2021. Báo cáo này, dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng quý 3/2021 sẽ giảm 19% so với quý 2/2021.
Yuanta Việt Nam nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn ngành bị chững lại do ảnh hưởng từ đại dịch nhưng đây không phải là điều quá bất ngờ. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng đạt 7,4%. “Chúng tôi tin rằng tăng trưởng tín dụng trong quý 3/2021 được thúc đẩy chủ yếu nhờ vào các khoản cho vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid và trái phiếu doanh nghiệp”, báo cáo cho biết.
Theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng đã công bố hạ lãi suất hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với mức giảm 1-3% với các dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết các ngân hàng thương mại cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỷ đồng.
Việc giảm lãi suất một mặt giúp khách hàng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, đồng thời cũng là cách kích cầu tín dụng sau khi Covid-19 được kiểm soát, tuy nhiên điều này cũng ảnh hưởng đến biên lãi thuần (NIM), lợi nhuận của các nhà băng. Vietcombank từng cho biết việc hạ lãi suất sẽ làm giảm hơn 7.000 tỷ đồng thu nhập lãi. Đại diện LienVietPostBank cũng từng chia sẻ lợi nhuận giảm 600 tỷ đồng khi hạ lãi suất. Phó Tổng giám đốc Sacombank đề cập với tổng dư nợ khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5-6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương 40% lợi nhuận theo kế hoạch.
Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) việc giảm lãi suất sẽ khiến NIM của ngân hàng bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và sự phục hồi sẽ không đáng kể so với trước. Năm 2020, khi đợt giảm lãi suất xảy ra, các ngân hàng thương mại đã tiến hành hạ lãi suất huy động như một công cụ chủ chốt để giữ NIM, duy trì tăng trưởng bảng cân đối và phù hợp lãi suất điều hành mới.
Theo đó, nhóm phân tích dự báo rằng thu nhập lãi thuần trong quý 3/2021 của các ngân hàng sẽ giảm 2% so với quý trước. Tuy nhiên, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trong quý 4/2021 khi nền kinh tế mở cửa trở lại. NIM của các ngân hàng được dự báo sẽ giảm trong quý 3/2021 do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. “Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất là đến cuối năm; vì vậy, NIM sẽ cải thiện nhẹ trong quý 4/2021 khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại. Ngoài ra, kỳ vọng thu nhập phí trong quý 3/2021 sẽ tăng và đây sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận trong quý này”, các chuyên gia của Yuanta Việt Nam nhận định.
Đồng thời, công ty chứng khoán này cũng dự báo chi phí dự phòng trong quý 3 của các ngân hàng sẽ tăng 20% so với quý trước, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tương đối thấp. Chất lượng tài sản bị suy giảm là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tiếp diễn và thực hiện giãn cách. Thông tư 14/2021/TT-NHNN gia hạn thời gian tái cơ cấu nợ đến ngày 30/06/2022 thay vì như kế hoạch bạn đầu là ngày 31/12/2021. Vì vậy, nợ xấu được công bố có thể vẫn ở mức thấp, nhưng sẽ thận trọng hơn nếu các ngân hàng trích lập dự phòng ngay từ bây giờ nhằm hạn chế khả năng chất lượng tài sản bị suy giảm trong tương lai, theo quan điểm của Yuanta Việt Nam. Theo đó, bộ phận phân tích dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng quý 3/2021 sẽ giảm 19% so với quý 2/2021 do tăng trưởng cho vay thấp và chi phí dự phòng tăng so với quý trước.
Gia tăng thu nhập phí sẽ là yếu tố tạo sự khác biệt giữa các ngân hàng trong thời gian sắp tới. Đơn vị phân tích nhận định thu nhập phí có thể được quan tâm hàng đầu trong nửa cuối năm 2021. Các điều kiện kinh doanh hiện nay cho thấy ngành ngân hàng tại Việt Nam nên đa dạng hóa nguồn thu nhập để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập từ lãi.
CTCK kỳ vọng việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền và doanh thu bancassurance sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, làn sóng tái đàm phán của các thương vụ bancassurance độc quyền được kỳ vọng sẽ diễn ra trong giai đoạn 2021-2022.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)