Củng cố đơn hàng và duy trì nguồn lao động để phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt với khối dệt may, da giày có hàng trăm nghìn lao động. Nhiều DN ngành này cho biết, ngoài việc đẩy nhanh tiêm vaccine, cần có giải pháp giúp họ chủ động quản lý, phòng dịch cho người lao động để đảm bảo chung sống an toàn với dịch và không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực cũng như sản xuất.
Trước thực tế khó khăn hiện nay, việc sớm khống chế dịch bệnh và mở cửa trở lại sẽ tạo điều kiện để DN phục hồi sản xuất, nhằm vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, nhà nước và Chính phủ cần tạo điều kiện để cho người lao động được tiêm vaccine nhằm giữ vững nguồn lực, duy trì ổn định để đẩy mạnh sản xuất.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ, đây là thách thức rất lớn đối với cộng đồng DN khi chưa có phương án thật sự tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện mới. Hơn nữa, nếu TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam mở cửa trở lại trong tháng 10/2021 cũng rất khó để công nhân quay trở lại làm việc, bởi chỉ còn vài tháng nữa sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Chỉ thị 16 vẫn đang còn được áp dụng tại nhiều địa phương sẽ là rào cản trong vấn đề tìm nguồn lao động thay thế.
“Thời điểm này, để thu hút nguồn lao động, ngoài việc kiểm soát dịch bệnh rất quyết liệt của bộ máy chính quyền thì vaccine vẫn là “chìa khoá”. Có nhiều điểm đáng lạc quan khi Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm nhiều vaccine trong thời gian tới, hy vọng tạo điều kiện để mở cửa lại nền kinh tế một cách bền vững”, ông Giang hi vọng.
Hiện nay, TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam đang có những tín hiệu tích cực mới trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy, việc mở cửa doanh nghiệp trở lại đang được tiến hành dần dần. Song, việc mở cửa lại cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có ở khoản lao động.
Trong buổi tọa đàm “Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới” được tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM ngày 25/9, các chuyên gia đã nêu ra nỗi lo thiếu người làm của một số doanh nghiệp hiện nay. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết trong nhiều tháng qua, một số doanh nghiệp thực hiện sản xuất với phương châm “3 tại chỗ” nên chỉ cho phép 30-50% số lao động được làm việc. Vậy nên, những lao động còn lại đã về quê hoặc nghỉ việc.
Tuy nhiên, việc mở cửa dần trở lại cũng như đơn hàng sản xuất tăng thì thiếu hụt hơn 60% số lao động so với thời điểm trước dịch, bao gồm cả những lao động có kinh nghiệm và tay nghề rất khó để tuyển mới. Đáng chú ý, trong dòng người di chuyển về quê có cả những người lao động của các nhà máy phải thu hẹp hoặc tạm ngưng hoạt động sản xuất . Dù thế nhưng hiện nay vẫn chưa có những con số cụ thể thống kê lượng người rời thành phố về quê. Dù doanh nghiệp muốn khôi phục lại sản xuất, kinh doanh sau khi mở cửa lại, nhưng lực lượng lao động để sản xuất đang ở đâu, họ có đủ điều kiện để quay lại thành phố để làm việc chưa thì doanh nghiệp không biết.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, cả nước có 5.761 doanh nghiệp mới trong tháng 8/2021 với số lao động đăng ký là 43,4 nghìn người, giảm 39,1 % về số lao động so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này giảm 54,9%. Điều này chỉ ra rằng doanh nghiệp đang “co lại”, để có thể gồng gánh với tình hình kinh doanh khó khăn và chi phí leo thang do dịch bệnh kéo dài.
Theo Cục Việc làm, lực lượng lao động Việt Nam hiện nay cũng đang giảm nghiêm trọng, không tăng theo đà dân số. Đáng chú ý, theo xu thế tăng lực lượng lao động hàng năm trước khi có dịch, lực lượng lao động thực tế đang thấp hơn trạng thái bình thường mới là 1,7 triệu lao động.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)