NHNN yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng.
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021. Đồng thời, ngân hàng tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh ở mức cao trong khi chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn còn lớn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng tập trung năng lực tài chính, cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường trích lập rủi ro. Trong thời gian tới, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế/không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần rà soát, thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (gồm dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 và các văn bản sửa đổi, bổ sung), đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng thực trạng hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thực hiện nghiêm và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lãi suất, phí. Các bên chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp. Các ngân hàng cũng được yêu cầu thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng. Trong đó, tập trung phân loại khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng để đảm bảo việc hỗ trợ phù hợp với ảnh hưởng của dịch.
Các ngân hàng phải lưu ý thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ để có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm hạn chế rủi ro phát sinh; kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản; duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong chỉ đạo, điều hành CSTT, tín dụng, NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản (BĐS), chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.
Nhờ đó tín dụng tăng trưởng hợp lý, hiệu quả, chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống được nâng cao; tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm dần qua các năm. Trong đó, tỷ trọng tín dụng đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ (0,5%) trong tổng dư nợ nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng BĐS giảm dần và tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế (chiếm hơn 60% dư nợ BĐS). Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên tăng cường thanh tra, giám sát, chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động và kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Những tháng đầu năm 2021 vừa qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh , giá BĐS tăng cao nhất là giá đất nền ở địa phương có thông tin quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng hoặc điều chỉnh tăng giá đất… Diễn biến này có nhiều nguyên nhân, một phần do đại dịch Covid-19 khiến triển vọng kinh tế khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng giảm, nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhưng thiếu cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh nên gia tăng đầu tư chứng khoán, BĐS. Việc giám sát rủi ro các thị trường này thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành. Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan (Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên, môi trường) phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường giám sát, quản lý và cảnh báo rủi ro, thông báo công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất; phát hiện, ngăn chặn, răn đe, xử phạt nghiêm các hành vi thao túng, đầu cơ tăng giá; đẩy mạnh nguồn cung BĐS…
Về phía ngành ngân hàng, từ đầu năm 2021, NHNN đã chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đề cập trên đây; do đó, tín dụng các lĩnh vực này trong tầm kiểm soát.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)