Lý giải về đề xuất áp giá sàn vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam thông tin, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Điều này khiến doanh thu của các hãng hàng không sụt giảm mạnh trong khi chi phí vẫn phải duy trì, dòng tiền bị đứt gãy, đe dọa đến việc duy trì hoạt động.
Hiện giá vé máy bay thường chiếm 50 – 60% giá tour du lịch, tăng giá vé máy bay chắc chắn sẽ làm tăng giá tour du lịch. Trong khi đó ngành du lịch vốn gần như “đóng băng” suốt 2 năm qua, việc Cục Hàng không đề xuất áp giá sàn chẳng khác nào “cái tát” vào ngành du lịch đang được lên kế hoạch phục hồi sau đại dịch với việc thí điểm đón khách tại Phú Quốc.
Khi thị trường hàng không nội địa không còn sự cạnh tranh thì sẽ rất khó để các hãng hàng không Việt Nam vươn ra thế giới được. Trong khi họ vẫn sẽ chịu cạnh tranh trực tiếp từ nước ngoài trong tương lai và đó là điều rất nguy hại cho lĩnh vực hàng không Việt Nam khi đã, đang hội nhập rất sâu rộng.
Vì thế nhiều ý kiến cho rằng để có tương lai rộng mở, chúng ta phải nhìn xa hơn, không hy sinh vì lợi ích cục bộ, ngắn hạn của một số đơn vị đang muốn ngăn chặn sự cạnh tranh này khiến hoạt động sản xuất của ngành hàng không nói riêng và nhiều lĩnh vực khác khó phát triển. Nếu ngành nào cũng nói do dịch bệnh nên cần áp giá sàn để nhanh phục hồi sẽ đẩy giá cả leo thang, lạm phát tăng.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có quyền đưa ra giá vé, miễn là không vượt giá trần mà Nhà nước quy định. Hãng hàng không có quyền bán vé máy bay giá rẻ để tạo áp lực cạnh tranh đối với các hãng hàng không khác. Hãng nào cân bằng được chi phí bỏ ra và lợi nhuận, lại tạo được “vé rẻ” có lợi cho người tiêu dùng, cho xã hội thì không có lý do gì để Nhà nước phải ra giá sàn khống chế.
Đề xuất áp giá sàn giá vé máy bay là phi lý, không phù hợp với việc cạnh tranh theo thị trường và không có lợi cho người tiêu dùng. Đồng thời hạn chế cạnh tranh của các hãng giá rẻ như Vietjet hay hãng bay còn non trẻ như Bamboo Airways, Vietravel Airlines. Bởi chỉ có những hãng hàng không tư nhân như Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines mới có nhiều chương trình bán vé giá rẻ, vé 0 đồng để phục vụ đa dạng khách hàng.
Việc điều tiết mặt bằng giá nhằm hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không. Đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước (cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines).
Như trước đây nếu chỉ có Vietnam Airlines cung cấp dịch vụ tương đối cho tầng lớp khách hàng khá cao cấp, thì sau này có thêm Vietjet Air đã chọn tầng lớp khách hàng bình dân, thu nhập thấp hơn với vé giá rẻ, không đòi hỏi nhiều về dịch vụ trên máy bay. Nếu áp chung giá sàn hành khách sẽ không có sự lựa chọn và từ đó sẽ cân nhất trong việc di chuyển bằng máy bay. Với dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mà Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải thì chị Huệ, chị Tiên cũng như nhiều hành khách đi máy bay sẽ không có cơ hội được mua vé máy bay giá rẻ, vé 0 đồng nữa bởi các quy định mới về giá sàn.
Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Điều này sẽ dẫn tới việc không còn giá vé 0 đồng hay vài chục nghìn đồng như các hãng hàng không thường xuyên khuyến mãi để kích cầu nhu cầu di chuyển của hành khách. Nhiều người lao động, nhất là những người lao động thu nhập thấp, đi làm xa bày tỏ lo ngại khi cơ hội được đi máy bay trở về quê hương mỗi dịp Tết đến hay các kỳ nghỉ dài ngày sẽ thêm xa vời.
Được biết đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản, hiện có 2 đơn vị là Vietnam Airlines và Pacific Airlines đề xuất Nhà nước quy định mức giá tối thiểu. Ngược lại, Vietjet đề xuất không áp dụng giá sàn và Bamboo Airways đề xuất bỏ quy định nhà nước định giá trên các đường bay khai thác bởi 3 hãng trở lên.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)