Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như không ít kênh đầu tư bị ảnh hưởng nên thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân. Lượng lớn dòng tiền của các nhà đầu tư làm thay đổi xu hướng và ảnh hưởng đến thanh khoản trên thị trường.
Trên sàn chứng khoán HOSE và HNX, trong tháng 8/2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng hơn 57.000 tỷ đồng, trong khi tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đều bán mạnh với giá trị gần 31.000 tỷ đồng.
Xét tỷ trọng giao dịch, nhà đầu tư cá nhân chiếm trên 90% và mua ròng mạnh, tạo động lực cho thị trường tăng điểm và nhanh chóng hồi phục sau đợt điều chỉnh. Bên cạnh dòng tiền thực, dòng tiền vay thông qua giao dịch ký quỹ (margin) cũng tăng cao, tình trạng margin tại một số công ty chứng khoán đang “căng cứng”.
Ghi nhận tại sàn HOSE, nhà đầu tư cá nhân bất ngờ “thế chỗ” khối ngoại để trở thành bên bán ròng nhiều nhất trên thị trường. Xu hướng chốt lời trong ngắn hạn khiến nhóm này rút ròng 254 tỷ đồng, trong đó tính riêng qua kênh khớp lệnh là 453 tỷ đồng, gấp 2,5 lần phiên giảm điểm trước đó. Sau chuỗi bán ròng kéo dài 13 phiên, khối ngoại có một phiên tạm nghỉ khi chuyển mua ròng 12,6 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 3,8 tỷ đồng. Chiều mua vẫn ghi nhận sự góp mặt của các tổ chức trong nước và nhóm tự doanh công ty chứng khoán với quy mô mua ròng lần lượt là 98 tỷ đồng và 359 tỷ đồng.
Các gói kích thích kinh tế, đặc biệt việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo thêm động lực cho thị trường trong thời gian tới. Vì vậy, dòng tiền có lý do để tiếp tục ở lại thị trường chứng khoán. Với sự phát triển của công nghệ và kiến thức tài chính được trang bị tốt hơn, các nhà đầu tư mới sẽ chủ động, thích nghi nhanh khi tham gia thị trường. Ngoài ra, số lượng người có thu nhập cao ngày càng tăng kể từ năm 2016 đến nay, xu hướng đầu tư của nhóm này vào chứng khoán cũng tăng theo.
Xét về dòng tiền, chuyển động của thị trường trong hơn một năm qua cho thấy, nhà đầu tư cá nhân là lực đẩy giúp VN-Index có xu hướng tăng kéo dài, lập đỉnh lịch sử tại 1.420 điểm vào đầu tháng 7, gần đây dao động quanh 1.340 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức cao, đạt trên 20.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE và vai trò chủ đạo vẫn là nhà đầu tư cá nhân. Vì dòng tiền nhà đầu tư cá nhân quan trọng nên quan điểm của nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò quan trọng hơn và không bị phụ thuộc vào các tổ chức như trước.
Tuy nhiên, với sự tham gia ồ ạt của lớp nhà đầu tư mới và sự bùng nổ của mạng xã hội, tâm lý nhà đầu tư cá nhân đôi khi mang tính “bầy đàn”, thể hiện ở những cổ phiếu được nhiều “hội, nhóm” đánh giá cao thường tăng nóng, dù dựa trên yếu tố thiếu cơ sở, hoặc bị thổi phồng. Do đó, nhà đầu tư cá nhân tuy vững vàng và độc lập hơn, nhưng tư duy đầu tư bài bản dựa trên phân tích doanh nghiệp cần được cải thiện.
Trong dài hạn, xu hướng dịch chuyển từ kênh tiền gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản là tất yếu, phù hợp với xu hướng trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất so với các thế hệ nhà đầu tư trước đây không nằm ở chuyên môn hoặc đưa ra quan điểm độc lập, mà thể hiện ở tỷ suất và mức độ chi phối thị trường giữa các nhóm nhà đầu tư. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tăng lên quanh mức 90%, cao nhất trong những năm gần đây. Chính điều này làm suy yếu vai trò chi phối thị trường của các nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài.
Theo đó, 2 khối nhà đầu tư này liên tục bán ròng, nhưng thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm và hầu hết nhà đầu tư cá nhân đều có lãi, giúp nâng cao sự tự tin trong giao dịch. Trong 8 tháng đầu năm 2021, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh gần gấp đôi năm ngoái, trong khi năm ngoái họ đã có mức bán ròng cao hàng đầu kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như không ít kênh đầu tư bị ảnh hưởng nên thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân. Hiện tượng này diễn ra trên toàn thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam, bởi kênh đầu tư chứng khoán có tính thanh khoản cao và cơ hội kiếm lời nhanh, việc giao dịch không bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của cá nhân trong tháng 8/2021 cao hơn tháng 7, đạt trên 120.000, nâng tổng tài khoản mở mới trong 8 tháng đầu năm 2021 lên hơn 840.000, cao hơn cả số lượng tài khoản mở mới trong hai năm 2018 – 2019.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)