Nhà đầu tư cần lưu tâm xem xét những doanh nghiệp bị điều chỉnh mạnh về số liệu báo cáo tài chính sau soát xét, đặc biệt là những doanh nghiệp nhiều lần bị kiểm toán điều chỉnh số liệu. Bên cạnh một số doanh nghiệp được kiểm toán viên điều chỉnh số liệu lợi nhuận theo chiều hướng tích cực hơn thì cũng có không ít doanh nghiệp “bốc hơi” mạnh lợi nhuận sau soát xét.
Báo cáo tài chính là căn cứ quan trọng cho quyết định của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Việc chênh lệch số liệu trên báo cáo tự lập của doanh nghiệp với báo cáo soát xét/kiểm toán cho dù không xuất phát từ chủ ý của doanh nghiệp nhưng đều gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Dù báo lãi 195,1 tỷ đồng trong nửa đầu năm, Công ty cổ phần Thép Pomina (mã POM) vẫn bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Tại ngày 30/6/2021, nợ phải trả ngắn hạn của nhóm công ty lên tới 8.046,1 tỷ đồng, vượt tài sản ngắn hạn (7.695,7 tỷ đồng). Đây cũng là vấn đề từng được kiểm toán nhấn mạnh trong báo cáo tài chính nửa đầu năm 2020 và cả năm 2020, song đến nay, Pomina vẫn chưa khắc phục được.
Đáng chú ý, tại báo cáo soát xét bán niên của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), kiểm toán viên đã nhấn mạnh khoản lỗ lũy kế trong báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn gần 7.372 tỷ đồng. Đồng thời, Tập đoàn cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay. Trong khoản vay trái phiếu giá trị 5.876 tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV đáo hạn vào ngày 30/12/2026, tài sản thế chấp của Công ty là 4.852 ha cao su và 7.102 ha cọ dầu. Tuy nhiên, tại thời điểm 30/6/2021, diện tích trồng cao su và cọ dầu thực tế đang thấp hơn cam kết trong hợp đồng tín dụng. Hơn nữa, HAG cũng chưa tiến hành thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn tại ngày 3/6/2021 với tổng giá trị là 1.483 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp cũng bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục như Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (mã VOS), Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (mã OGC), Công ty cổ phần BOT Cầu Thái Hà (mã BOT)…
Không đến mức chuyển lãi thành lỗ sau soát xét, song lợi nhuận ròng bán niên hợp nhất năm 2021 của CTCP Địa ốc First Real (HOSE: FIR) giảm 75% xuống còn 2,3 tỷ đồng. (Kỳ kế toán năm của FIR bắt đầu từ ngày 01/10 và kết thúc tại ngày 30/09 hàng năm năm sau). Giải trình về vấn đề này, FIR cho biết biết nguyên nhân đến từ khoản lỗ tài chính do công ty mất quyền kiểm soát công ty con là CTCP Đầu tư Bất động sản Protech (Công ty con tăng vốn cho các cổ đông không kiểm soát dẫn tới thay đổi tỷ lệ sở hữu của các cổ đông). Mặt khác, LNST công ty giảm mạnh còn do doanh thu thuần giảm 33% và chi phí tài chính (gấp 12,51 lần) và chi phí bán hàng (gấp 2,81 lần) đều tăng mạnh.
Thực tế, khoản lỗ tài chính này trước soát xét FIR đã ghi nhận giảm vào khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm trước” do chưa có hướng dẫn ghi nhận cụ thể tới trường hợp này trong Thông tư 202/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn hợp nhất báo cáo tài chính. Tuy nhiên sau soát xét, FIR điều chỉnh vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ (không ảnh hưởng trên báo cáo tài chính riêng). Do đó thay đổi tới khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này” giảm 6,86 tỷ đồng, còn 2,46 tỷ đồng.
Hay CTCP Tập đoàn FLC có mức lãi sau soát xét chỉ giảm 1,7% so với BCTC tự lập. Dù vậy, đi sâu vào các con số trên BCTC soát xét, có thể thấy doanh thu thuần hợp nhất nửa đầu năm của Tập đoàn đạt hơn 4.160 tỷ đồng, tăng 11% so với báo cáo tự lập nhưng lợi nhuận gộp chuyển từ lãi 58 tỷ trên báo cáo tự lập, sang lỗ 41 tỷ đồng sau xoát xét. FLC lý giải do một số điều chỉnh giao dịch hợp nhất, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cùng giá vốn bán hàng tăng tương ứng 11% và 14% dẫn đến lợi nhuận gộp đảo chiều. Đồng thời hoạt động tài chính tăng gần 25% nên lợi nhuận sau thuế không thay đổi đáng kể.
Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã DAG) từ lãi 3,63 tỷ đồng sang lỗ 4,77 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Phía doanh nghiệp cho biết, sau soát xét, khoản mục doanh thu điều chỉnh giảm 1,3 tỷ đồng, trong khi giá vốn tăng thêm 1,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí quản lý tăng thêm 5,9 tỷ đồng, tương đương tăng 49%, do sau khi đánh giá lại các khoản công nợ phải thu, DAG trích lập dự phòng nợ phải thu 5,4 tỷ đồng và điều chỉnh tăng khấu hao và trích trước chi phí. Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo soát xét của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA) giảm 21% so với báo cáo tự lập, về mức 75,8 tỷ đồng do chỉ tiêu chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 59%. Ngoài ra, ITA còn phát sinh khoản lỗ hơn 5 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết (không được đề cập ở báo cáo tự lập).
BCTC sau soát xét của nhiều doanh nghiệp phản ánh kết quả kinh doanh giảm mạnh so với báo cáo tự lập, thậm chí, nhiều đơn vị còn chuyển từ lãi sang lỗ. Những điều chỉnh mạnh trên báo cáo tài chính sau soát xét/ kiểm toán sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy, sự minh bạch của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)