Theo Nikkei Asia, Tập đoàn công nghệ Nhật Bản Toshiba sẽ đóng cửa một nhà máy tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc) vào cuối tháng này. Đây là trung tâm sản xuất đầu tiên của Toshiba tại quốc gia tỷ dân này. Hơn 600 lao động tại nhà máy Toshiba có 30 năm tuổi đời tại Trung Quốc sẽ mất việc.
Nhà máy sắp đóng cửa đã sản xuất nhiều loại sản phẩm như TV LCD và thiết bị y tế. Theo Toshiba, nhà máy sử dụng khoảng 2.400 người vào thời kỳ đỉnh cao vào khoảng năm 2010. Công ty đã kết thúc việc chấm dứt các dòng sản phẩm tại nhà máy khi nó được cơ cấu lại.
Toshiba cũng sẽ đóng cửa một nhà máy ở tỉnh Saitama của Nhật Bản, điều này đã được thông báo cách đây một năm. Cơ sở này bắt đầu hoạt động vào năm 1965 với tư cách là nhà máy sản xuất TV màu đầu tiên của Toshiba, nhưng công ty đã chấm dứt hoạt động sản xuất TV trong nước vào năm 2012. Nhà máy Đại Liên khai trương vào năm 1991 với tư cách là trung tâm sản xuất đầu tiên của Toshiba tại Trung Quốc, khi Bạc Hy Lai – hiện đang thụ án tù chung thân vì tội tham nhũng – là phó thị trưởng. Ông Bạc Hy Lai lên làm thị trưởng vào năm 1993, và đã xây dựng Đại Liên thành một trung tâm của các nhà sản xuất Nhật Bản.
Nhà máy Đại Liên khai trương vào năm 1991 với tư cách là trung tâm sản xuất đầu tiên của Toshiba tại Trung Quốc, khi Bạc Hy Lai – hiện đang thụ án tù chung thân vì tội tham nhũng – là phó thị trưởng. Ông Bạc Hy Lai lên làm thị trưởng vào năm 1993, và đã xây dựng Đại Liên thành một trung tâm của các nhà sản xuất Nhật Bản.
Toshiba là tập đoàn hàng đầu trong số các công ty có trụ sở tại Đại Liên, với người đứng đầu địa phương thường kiêm luôn chức Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Công ty Toshiba Đại Liên cho biết sẽ bắt đầu quá trình thanh lý sớm nhất vào tháng 10 để tiến hành chuyển sang Việt Nam và Nhật Bản. Toshiba có các cơ sở ở Đại Liên và nhiều địa phương khác ở Trung Quốc sản xuất các chi tiết cho đường sắt và thang máy. Các nhà máy đó sẽ vẫn sẽ hoạt động.
Mới đây, Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc đang đầu tư 230 triệu USD để xây dựng một trung tâm R&D tại TP Hà Nội, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2022 và có thể thuê 2.200 – 3.000 nhân viên, theo Digitimes.
Một tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc là LG Electronics cũng đang tuyển dụng kỹ sư và công nhân cho nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, điện thoại thông minh, xe hơi và các sản phẩm giải trí trị giá 1,5 tỷ USD tại TP Hải Phòng. Cơ sở của LG Display tại Hải Phòng đang tìm thuê thêm các vị trí gồm luật sư, trợ lý các vấn đề chung, kỹ sư nghiên cứu và phát triển, sản xuất, sức khỏe và an toàn, công nghệ và cả trợ lý công nghệ thông tin.
Samsung có tổng vốn đầu tư hơn 17,5 tỷ USD tại Việt Nam và đang sử dụng hơn 160.000 lao động địa phương. Gã khổng lồ này có các cơ sở sản xuất tại TP HCM, Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên chuyên sản xuất thiết bị cầm tay và điện tử gia dụng. Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên 282,65 tỷ USD và Samsung chiếm hơn 20% trong số đó, tương đương khoảng 57 tỷ USD.
LG và Samsung là những nhà xuất khẩu hàng đầu tại Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thiết bị cầm tay và phụ tùng thay thế của Việt Nam tăng 12% so với cùng kỳ lên 29,4 tỷ USD, tương đương khoảng 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong cùng kỳ, xuất khẩu máy tính xách tay, phụ tùng và các thiết bị điện tử khác tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27,4 tỷ USD. Theo số liệu trích dẫn từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam tính đến ngày 20/8, với hơn 9.100 dự án còn hiệu lực, trị giá 72,16 tỷ USD. Ngoài ra, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong 7 tháng đầu năm đạt 42,2 tỷ USD, tương đương 11,25% tổng kim ngạch thương mại. Con số tương tự trong cùng kỳ năm 2020 là 35 tỷ USD.
Nhật Hạ