Các quy định giãn cách xã hội và phòng chống dịch đã khiến hàng nghìn nhà môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh thất nghiệp và con số này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong suốt gần 4 tháng qua, thị trường bất động sản đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tại các tỉnh thành có dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…
Nhiều dự án phát triển bất động sản đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán – tiếp xúc – tư vấn khách hàng không thể thực hiện. Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán.
Các doanh nghiệp có dự án bất động sản ở địa phương thì việc đi lại, liên hệ, thực hiện thi công dự án đều rất khó khăn khi các tỉnh thực hiện giãn cách. Chi phí do xét nghiệm, các thủ tục xin cấp giấy đi đường đều rất mất thời gian, cùng với đó việc ngừng thi công một số công trình khiến dự án không đạt tiến độ đề ra, dòng tiền của doanh nghiệp bị tắc. Vì không biết đến bao giờ COVID-19 biến mất hoàn toàn nên doanh nghiệp của ông đã lên kế hoạch dài hạn để có thể sống chung với dịch. Theo đó, tất cả công việc họp giao ban, tiếp thị cho khách hàng, bán hàng…đều được thực hiện qua kênh online.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng xác định thời điểm Covid-19 là lúc đẩy mạnh sức khỏe tài chính lẫn quỹ đất. Cụ thể, Novaland, Hưng Thịnh, An Gia, Danh Khôi liên tục công bố các thương vụ thâu tóm quỹ đất mới. Cùng với đó nhiều doanh nghiệp như CenLand, Đất Xanh, Tân Hoàng Minh, Vinhomes tận dụng sự sôi động của thị trường chứng khoán để tăng vốn. Theo các chuyên gia kinh tế, qua thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS với bản lĩnh, quyết tâm và sức sáng tạo, sự bền bỉ và năng động… không những đã giữ vững vai trò trụ cột trên thị trường BĐS mà còn tăng trưởng cả về quy mô và lợi nhuận ngay trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo do tác động của dịch Covid-19.
Nhìn về dài hạn, BĐS Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng. Theo các chuyên gia, BĐS vẫn là “nơi trú ẩn” tài sản vừa đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác. Thêm nữa, từ góc độ nguồn cung sản phẩm có thể thấy đại dịch Covid-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường BĐS.
Theo HoREA, để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid -19, các doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.
HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Cụ thể là xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nêu thực tế: “Sau gần 2 năm đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay có thể nhận thấy rõ là hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được hỗ trợ kịp thời”.
Một số chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, với tình hình khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp bất động sản, cấp thiết cần sự lắng nghe và các giải pháp trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn căng thẳng hiện nay, hy vọng vào quá trình phục hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn sau đại dịch. Đồng thời, cần đề xuất Chính phủ chính sách hỗ trợ giãn, giảm thuế (thu nhập, VAT), giảm lãi suất vay, tiếp cận nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi hơn.
Tĩnh Kiên