Theo số liệu từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính tới ngày 25/8, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt đạt 7,06% so với đầu năm, tương đương tổng dư nợ đã tăng khoảng 700.000 tỷ đồng trong gần 8 tháng đầu năm.
Sau giai đoạn gần như không tăng trưởng trong tháng 7, tăng trưởng tín dụng bật tăng trong vài ngày cuối cùng của tháng. Các phương án giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng sau đó có thể đã khiến tăng trưởng tín dụng giảm trong nửa đầu tháng 8, theo các chuyên gia VDSC.
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế trong năm nay dao động từ 12 – 13%. Riêng về phía NHNN, mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu trong năm nay là khoảng 12% và sẽ điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Cũng theo nhận định của đơn vị này, đẩy mạnh cho vay ngắn hạn là xu hướng chính của các ngân hàng trong nửa cuối tháng 8 và sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 9 do một số ngân hàng đang cố gắng sử dụng hạn mức tín dụng.
Cụ thể hơn, nhiều ngân hàng thương mại đang tập trung cho vay ngắn hạn để lấp đầy hạn mức tín dụng đã được cấp trước đợt điều chỉnh hạn mức sắp tới, mà theo VDSC sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 hoặc muộn nhất là nửa đầu tháng 10. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa công bố con số cụ thể, song, tạm tính trong 6 tháng đầu năm, dòng vốn tín dụng có xu hướng đổ mạnh vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại và các hoạt động dịch vụ khác. Dư nợ của các lĩnh vực này tính đến cuối quý II lần lượt ở mức 1,88 triệu tỷ đồng, 2,27 triệu tỷ đồng và 3,72 triệu tỷ đồng, tăng 8,9%, 8,16% và 6,74% so với đầu năm.
Mặt khác, tín dụng có xu hướng chững lại tại nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, dư nợ duy trì ở mức 789.750 tỷ đồng (tăng 1,81%). Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực xây dựng tiếp tục giảm xuống còn 860.279 tỷ đồng, tăng 0,75% so với đầu năm.
Theo báo cáo cập nhập vĩ mô mới đây của VNDirect, các chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cởi mở hơn trong việc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cho năm 2021 dự báo ở mức 13%. Ngoài ra, lãi suất tín dụng được dự báo sẽ giảm hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là đối với các ngành và khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. NHNN đã yêu cầu các ngân hàng hương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Cụ thể, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã thông báo cắt giảm 0,5 – 1% lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay hiện hữu của các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, giáo dục, lưu trú & dịch vụ ăn uống.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại tư nhân như ACB, MBB, VIB, VPB cũng cam kết cắt giảm lãi suất cho vay từ 0,8-2,0% đối với dư nợ của các khách hàng bị đại dịch. Theo VNDirect, mức tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm sẽ giảm xuống còn 0,1-0,15 điểm %/năm thay vì tăng 0,25-0,3 điểm %/năm như mức dự báo trước đó.
Tĩnh Kiên