Nhiều chủ đầu tư đang găm giữ hàng, chờ tung ra thị trường trong giai đoạn kinh doanh cao điểm quý cuối năm.
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào bất động sản nhằm thu được lợi tức cao hơn so với gửi tiết kiệm, tức là nhà đầu tư dùng “tiền túi”, hạn chế đòn bẩy nên khó có câu chuyện hình thành mặt bằng giá mới thấp hơn do áp lực mua – bán.
Dịch bệnh có thể được kiểm soát sớm hoặc muộn, nhưng xu hướng tăng giá đã, đang và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới khi các loại chi phí đầu vào như chi phí đầu tư, nguyên vật liệu, lãi vay, chi phí tài chính… đều tăng và được tính vào giá bán sản phẩm.
Trong một vài năm tới, tại khu vực TP.HCM, mức giá sẽ tăng cao ở phân khúc căn hộ hạng sang, trung bình khoảng 6-9%/năm, phân khúc cao cấp từ 4-5%/năm. Trong khi đó, phân khúc tầm trung sẽ có mức tăng thấp hơn, dao động 2-3%/năm, riêng phân khúc căn hộ bình dân có khả năng không còn nguồn cung. Đối với thị trường thứ cấp, hiện tại, do dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài nên không ít nhà đầu tư dùng vốn vay ngân hàng chịu áp lực trả nợ chấp nhận giảm lợi nhuận đầu tư để bán ra. Đây là cơ hội để người mua tìm kiếm các căn hộ có mức giá thấp hơn so với thời gian trước từ 5-10%.
Nguồn cung sẽ tăng mạnh vào giai đoạn cuối năm vì hiện tại, nhiều chủ đầu tư vẫn đang nắm giữ nguồn hàng và sẽ tận dụng giai đoạn cao điểm sức cầu để tung ra thị trường. Mặc dù thị trường còn phụ thuộc nhiều vào kết quả chống dịch, nhưng do các chủ đầu tư đã có kinh nghiệm ứng phó từ các lần bùng phát dịch trước đó nên khả năng thị trường sẽ sôi động trở lại ngay khi dịch được khống chế.
Có những dự án bất động sản “đắp chiếu” trong một thời gian dài bỗng “hồi sinh” hay những vùng đất heo hút bỗng dưng “lên đời” nhờ những tuyến đường lớn được hình thành hay nâng cấp, mở rộng. Dù cơn sốt đất này diễn ra trên phạm vi rộng và trong thời gian khá dài nhưng theo quy luật cũng phải hạ nhiệt khi mức giá ở nhiều khu vực đã đạt đỉnh hoặc vượt lên trên. Thời điểm tháng 6, tháng 7, dù dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 đang nặng nề hơn nhưng sự kỳ vọng của các nhà đầu tư vẫn còn, do đó, thị trường đất nền vẫn khá sôi động các giao dịch mua bán, dù sốt đất đã hạ nhiệt.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, những nhà đầu tư từng kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát đang đứng ngồi không yên với diễn biến hiện tại. Đặc biệt là những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, lại mua vào lúc giá đất cao. Trên thực tế, thị trường chưa ghi nhận hiện tượng bán tháo ồ ạt của các nhà đầu tư mua đất lúc đỉnh sốt, tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán đất ngang giá mua hoặc chấp nhận lỗ một phần để cân đối lại dòng tiền vì không thể chờ thêm.
thời gian này (tháng 8, tháng 9) lại là thời điểm tốt nên mua vào. Đối với người bán thì nên có kế hoạch chuẩn bị sẵn để bán vào tháng 10, tháng 11. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để họ tái cơ cấu lại sản phẩm đầu tư. Giá bất động sản sẽ không giảm trong thời gian tới, thậm chí còn tăng nhưng ở thời điểm hiện tại sẽ có xu hướng đi ngang để chờ thị trường hồi phục. Do đó, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn khó đủ sức gồng qua giai đoạn này, nếu dịch bệnh còn kéo dài đến tháng 9, tháng 10.
Cương Nguyễn