Dòng tiền đang có dấu hiệu chảy vào nhóm cổ phiếu bất động sản, với kỳ vọng đón đầu cơ hội tăng giá khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp địa ốc thường đột biến trong những tháng cuối năm.
Liệu cổ phiếu bất động sản có tạo được sóng, hay duy trì đà tăng trưởng trong trung hạn như nhóm ngành chứng khoán, thép, ngân hàng trước đó?
Câu chuyện chính sách sẽ giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường bất động sản. Hiện tại, thị trường này đang chịu tác động bởi dịch bệnh, nhưng sẽ được hưởng lợi từ chủ trương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa giúp lan tỏa tới các ngành nghề khác, tạo nhiều công ăn việc làm.
Các mã mà khối quỹ ETF có động thái mua vào, hay doanh nghiệp có câu chuyện riêng như tăng vốn, ghi nhận lợi nhuận sau thời gian dài tích lũy sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Ngoài ra, thông tin về sửa đổi Luật Xây dựng, về biến động giá nhà, mặt bằng lãi suất cũng sẽ là các yếu tố vĩ mô tác động mạnh đến nhóm ngành bất động sản.
Có những ý kiến cho rằng, cổ phiếu bất động sản hiện thích hợp với việc đầu tư trung hạn, nhưng cơ hội đầu tư lướt sóng nhiều khả năng vẫn sẽ xuất hiện. Riêng nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, do đã tăng nóng từ vài năm trước nên trong thời gian tới có thể giá sẽ đi ngang, thậm chí đi xuống, ngoại trừ các mã có câu chuyện riêng hỗ trợ. Các chủ đầu tư chú trọng vào việc bán đất, chứ không ưu tiên bỏ tiền vào kinh doanh bất động sản theo kiểu nhà kho, nhà xưởng cho thuê. Do đó, nếu cổ phiếu nhóm này có tăng giá trong thời gian tới thì cũng ở mức “bình bình” theo hiệu ứng thị trường, chứ không tăng nóng.
Hoạt động đầu cơ lướt sóng luôn đi kèm với rủi ro cao nên thời gian nắm giữ cổ phiếu thích hợp là khoảng 3 tháng. Với hình thức đầu tư ngắn hạn, khi diễn biến giá không như dự báo, nhà đầu tư dễ rơi vào tình trạng bán ra sớm, làm giảm lợi nhuận, hoặc thua lỗ. Trong khi ở hướng ngược lại, thị trường rung lắc, giá cổ phiếu giảm là cơ hội mua vào của các nhà đầu tư dài hạn.
Với nhóm cổ phiếu nhà ở, doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu khi bàn giao dự án nên sẽ có độ trễ tương đối sau khi bán hàng. Do đó, nhà đầu tư cần xác định điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp, các chỉ số tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh, cơ cấu đòn bẩy. Trong khi đó, đối với nhóm khu công nghiệp, cách ghi nhận doanh thu sẽ tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, nhưng chủ yếu được chia làm 2 dạng chính là ghi nhận 1 lần và ghi nhận liên tục trong thời gian cho thuê đất. Do vậy, nhà đầu tư cần lưu ý đến tiến độ đền bù, giải phóng thi công hạ tầng, tệp khách hàng chính tại mỗi khu công nghiệp, các ưu đãi về chính sách của Nhà nước…
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2021, chỉ số VN-Index đạt mức 1.331,47 điểm, tăng 1,64% so với tháng trước và tăng 20,62% so với đầu năm 2021; VNAllshare đạt 1.359,37 điểm, tăng 1,15% so với tháng trước và tăng 31,67% so với đầu năm 2021; VN30 đạt 1.428,66 điểm, giảm 1,28% so với tháng trước và tăng 33,42% so với đầu năm 2021. So với tháng trước, các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng này bao gồm: ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) tăng 18,38%, ngành công nghiệp (VNIND) tăng 11,96% và ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 8,21%. Bên cạnh đó, các ngành ghi nhận sự sụt giảm bao gồm ngành công nghệ thông tin (VNIT) giảm 0,04% và ngành tài chính (VNFIN) giảm 3,23%.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 8 thiết lập kỷ lục vào phiên ngày 20/8/2021 với giá trị giao dịch đạt mức 38.075 tỷ đồng cao nhất trong 21 năm qua, và khối lượng giao dịch đạt gần 1,2 tỷ cổ phiếu. Cũng trong tháng này, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt ghi nhận trên 23.034 tỷ đồng và 703,36 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng lần lượt 13,95% về giá trị và tăng 16,63% về khối lượng bình quân so với tháng trước.
Tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng lần lượt đạt trên 506.768 tỷ đồng và 15,47 tỷ cổ phiếu, tương ứng tăng lần lượt 13,95% về giá trị và tăng 16,63% về khối lượng so với tháng trước.
Tĩnh Kiên