Nhiều nước ngỡ đã thoát khỏi đại dịch COVID-19 nhờ chiến lược phong tỏa và tiêm chủng diện rộng, nhưng biến thể Delta bất ngờ làm đảo lộn tất cả. Biến thể này trở thành nỗi lo lớn đối với kinh tế toàn cầu, có thể khiến tiến trình phục hồi ở nhiều nước bị chậm lại, thậm chí là đảo ngược.
Các chuyên gia y tế công của Mỹ cảnh báo biến thể lây nhiễm nhanh Delta tiếp tục đe dọa nước này, đặc biệt tại các bang có tỷ lệ người tiêm chủng thấp nhất. Trước đó, ông Scott Gottlieb, cựu Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, nhận định biến thể Delta có thể dẫn tới một đợt bùng phát dịch mới tại Mỹ vào mùa Thu và những người chưa tiêm vắc xin sẽ là đối tượng dễ mắc COVID-19 nhất.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 22/7 cảnh báo rằng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã trở thành “một mối rủi ro ngày càng tăng” đối với nền kinh tế Eurozone.
Bà Lagarde nói rằng đà phục hồi của nền kinh tế Eurozone đang đi đúng hướng. Nhưng đại dịch COVID-19 với biến thể Delta tiếp tục tác động đến triển vọng của nền kinh tế. Biến thể này có sức lây lan nhanh chóng, đe doạ kéo lùi đà khởi sắc trong các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là trong du lịch và khách sạn. Ở châu Á, nhiều quốc gia đã chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới trong những tháng gần đây, trong khi tiến độ tiêm chủng ở khu vực này chậm hơn Mỹ và châu Âu. Điều này buộc các nhà chức trách phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn.
Một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đang tăng cường tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Diễn biến đó khá tích cực và cần được duy trì ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia và Philippines vẫn chưa kiểm soát hiệu quả đại dịch và chưa có các chương trình tiêm chủng đủ mạnh. Khi biến thể Delta đang lây lan nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới, dự báo tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc bị hạ xuống do dịch tái bùng phát, thì các dự báo cho Eurozone hay Mỹ lại được nâng lên, dù chiến dịch tiêm chủng cần tiếp tục được thúc đẩy.
Các nhà phân tích nhận định đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản có thể chậm lại trong quý III/2021 do dịch COVID-19 tái bùng phát, khiến nhiều khu vực ở nước này tiếp tục bị đặt trong tình trạng khẩn cấp trong một vài tháng tới. Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản thực hiện với sự tham gia của 36 tổ chức tư vấn tư nhân trong thời gian từ ngày 30/7 đến 6/8 cho thấy trong quý III/2021, GDP thực tế của Nhật Bản được dự báo sẽ tăng 2,55% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với con số dự báo 4,9% được đưa ra một tháng trước đó.
Với kinh tế Trung Quốc, ba ngân hàng hàng đầu của Mỹ là Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley đầu tháng Tám đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng, sau khi nước này ghi nhận số liệu xuất nhập khẩu yếu hơn dự kiến và có những lo ngại rằng dịch COVID-19 tái bùng phát có thể làm giảm hoạt động kinh tế. Trong đó, Goldman Sachs hạ dự báo từ 5,8% xuống 2,3% cho quý III và từ 8,6% xuống 8,3% cho cả năm nay. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm nay, nhưng cảnh báo về những rủi ro do xuất hiện các biến thể mới của virus gây ra đại dịch. EC dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, cao hơn mức dự báo tăng 4,3% được đưa ra hồi tháng Năm.
IMF cũng đã tăng mạnh dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ lên 7%, nhờ đà phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, và giả định rằng phần lớn các kế hoạch chi cho xã hội và cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden sẽ được ban hành.
Ngân hàng Thế giới (WB) và chương trình phân phối vắc xin toàn cầu (COVAX) cũng đã công bố một cơ chế tài chính mới nhằm thúc đẩy việc cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển. Cơ chế này sẽ cho phép COVAX mua trước – với giá cạnh tranh hơn – từ các nhà sản xuất vắc xin dựa trên tổng cầu giữa các quốc gia, bằng nguồn tài chính từ WB và các ngân hàng phát triển đa phương khác. Trong một tuyên bố, Chủ tịch WB David Malpass nêu rõ: “Tiếp cận vắc xin vẫn là thách thức lớn nhất mà các nước đang phát triển phải đối mặt trong việc bảo vệ người dân trước các tác động về sức khỏe, xã hội và kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra”..
Có thể nói biến thể Delta đang thách thức thế giới và tìm kiếm nguồn vắc xin vẫn là vấn đề nan giải trên toàn cầu. Nhưng với sự đồng tâm, hợp lực và nỗ lực không ngừng hy vọng thế giới sẽ nhanh chóng vượt qua đợt dịch khốc liệt lần này và nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm tìm lại được đà tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi đại dịch bùng phát. Trong quý đầu tiên của năm nay, kinh tế Mỹ tăng 1,6% so với quý trước đó và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng kỳ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở các mức tương ứng 0,6% và 18,3%. Cuối tháng Bảy Bộ Thương mại Mỹ cho biết, trong quý II/2021, GDP của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần một nửa dân số đã được tiêm chủng cho phép người Mỹ đi du lịch, tới các nhà hàng và tham dự các sự kiện thể thao. Mặc dù việc hỗ trợ tài chính giảm dần và các ca mắc COVID-19 gia tăng ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, trong quý I/2021, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 0,3% so với quý trước đó và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2021 ghi dấu quý suy giảm thứ hai liên tiếp. Đà phục hồi chậm chạp tại châu Âu được lý giải là do đợt dịch COVID-19 thứ ba đã bùng phát ở châu lục này vào đầu năm nay, với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và các đợt phong tỏa sau đó, trong khi tiến triển của chương trình tiêm chủng cũng như mở cửa nền kinh tế chậm chạp, và chương trình hỗ trợ tài chính cho năm 2021 yếu.
Tuy nhiên, theo số liệu chính thức được công bố cuối tháng Bảy, kinh tế Eurozone đã tăng trưởng 2% trong quý II/2021, khi các doanh nghiệp được mở cửa trở lại đã vực dậy hoạt động kinh doanh sau một thời gian trì trệ do đại dịch COVID-19. Mức tăng trưởng nói trên ở châu Âu cao hơn so với Mỹ, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý II/2021 tăng trưởng 1,6% so với quý trước đó, và cả Trung Quốc, với mức tăng 1,3%.