Trong tuần qua, câu chuyện thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường là “tiếng khóc nghẹn” của các doanh nghiệp bất động sản khi bị “đứng ngoài” hầu hết các gói hỗ trợ.
Một số nhà băng đưa ra các gói tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vay vốn với lãi suất chỉ từ 4%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 7%/năm đối với khoản vay trung dài hạn. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…
Bàn về tính khả thi trong việc giảm lợi nhuận ngân hàng để giảm lãi vay cho doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh là rất cần thiết, nhưng vấn đề cần quan tâm là các doanh nghiệp có đủ điều kiện tiếp cận được nguồn vốn này hay không.
“Nếu doanh nghiệp đã có tình hình tài chính tốt, vay trả đúng hạn thì nhiều khả năng doanh nghiệp đó đã được ưu tiên giảm lãi suất, vì ngân hàng đang có điều kiện đầu vào thấp. Tuy nhiên, vấn đề là các doanh nghiệp gặp khó khăn thì giảm lãi suất cho khoản vay cũ chỉ là một phần, quan trọng hơn là tiếp tục được vay thì doanh nghiệp có sống tiếp được hay không”, ông Thành đặt vấn đề.
“Tại sao lại phân biệt đối tượng khách hàng vay? Khách hàng nào cũng trả lãi sòng phẳng, thậm chí cho vay bất động sản lãi suất còn cao hơn các khoản vay sản xuất – kinh doanh hay các ngành nghề khác”, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM than thở và bày tỏ quan điểm rằng, đã từ lâu, các doanh nghiệp bất động sản đã đồng hành, gắn bó chặt chẽ với các ngân hàng và có đóng góp không nhỏ vào hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nhưng nay, khi các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn thì lại bị “đứng ngoài” các chương trình hỗ trợ của ngân hàng là điều khó chấp nhận.
“Hỏi thăm thông tin thì được phản hồi là để chống đầu cơ. Thực hư quan điểm này không biết có phải từ lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng không, nhưng cách mà một số ngân hàng đang phân biệt khách hàng là không công bằng”, vị lãnh đạo này bức xúc. Trên thực tế, bất động sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế, đóng góp khoảng 11% GDP và có tác động đến hơn 200 ngành nghề khác nhau.
Thống kê của Công ty DKRA Vietnam về doanh thu của doanh nghiệp môi giới bất động sản khu vực TP.HCM trong 3 tháng gần đây cho thấy, hiện có đến 50% doanh nghiệp có mức doanh thu đạt dưới 10% so với giai đoạn bình thường, tức có nguy cơ ngừng hoạt động rất cao. Bên cạnh đó, khoảng 30% doanh nghiệp có nguy cơ ngừng hoạt động với mức doanh thu từ 30-50%. Chỉ 10% doanh nghiệp có mức doanh thu 50-70% (mức được cho là ổn định). “Dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại TP.HCM nên thời gian giãn cách xã hội bị kéo dài nhiều tháng nay, dẫn tới hoạt động kinh doanh bất động sản bị tê liệt, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa do không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam nói.
Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản nói rằng, việc loại trừ bất động sản là điều quá bất hợp lý bởi với các ngành đang được ưu đãi, dịch bệnh càng nặng nề, càng kéo dài thì họ càng có lợi nhuận, doanh thu cao vì họ là những ngành nghề được ưu tiên, tạo điều kiện để kinh doanh và thực tế là có thể sống được, thậm chí sống khỏe trong đại dịch. Trong khi đó, ngành bất động sản gần như chết lâm sàng. Dẫn chứng chuỗi Bách hóa Xanh vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 7 với kỷ lục mới khi doanh thu gần 4.240 tỉ đồng, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 2,1 tỉ đồng một tháng, cao nhất từ trước tới nay. Tính lũy kế 7 tháng, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 17.600 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Hay như các hãng dược, nhà thuốc doanh thu khủng, kiếm siêu lợi nhuận khi biến thể dịch Covid-19 lan rộng… vị này kết luận : “Trong khi các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, du lịch gần như chết đứng gần 2 năm nay vì dịch Covid-19 thì không được hỗ trợ còn các ngành vẫn hoạt động được, có doanh thu thậm chí lãi lớn khi dịch bệnh bùng phát thì được hỗ trợ. Không những vậy, khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ, các địa phương kêu gọi hỗ trợ thì các doanh nghiệp bất động sản cũng là đi đầu, đóng góp nhiều nhất cả về vật chất, con người nhưng lại không nhận được sự hỗ trợ là quá vô lý, quá phi lý không thể chấp nhận được”.
Nhật Hạ