Lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021 và năm 2022 sẽ phần nào phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu.
Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng. Trong quý II/2021, hầu hết ngân hàng đều tăng trích lập dự phòng, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao.
Công ty chứng khoán Yukata nhận định một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tương đối cao có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Đồng thời làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu các ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này. Trong mọi trường hợp, lãi dự thu chưa thu được có thể làm giảm lợi nhuận. Do đó, để có những đánh giá chính xác về chất lượng lợi nhuận của ngân hàng, nhóm phân tích cho rằng cần chú ý nhiều hơn đến các ngân hàng có lãi dự thu và chênh lệch thu nhập lãi âm ở mức cao.
Cụ thể, các ngân hàng đã gia tăng dự phòng trong quý II do rủi ro liên quan đến đại dịch gia tăng. Tổng dự phòng quý II đạt 33.400 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2020. Các chuyên gia cho rằng đây là một tín hiệu tích cực do chất lượng tài sản của ngân hàng có thể bị suy giảm bởi đại dịch. Việc trích lập dự phòng một cách thận trọng sẽ giúp các ngân hàng có sự chuẩn bị tốt hơn và giảm áp lực dư luận về việc công bố tăng trưởng lợi nhuận quá cao trong bối cảnh khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Dù trích lập dự phòng tăng trong quý II, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao. Các chuyên gia tin rằng những ngân hàng có tỷ lệ này cao sẽ có nền tảng vững mạnh hơn, có thể hạn chế tình trạng suy giảm chất lượng tài sản do ảnh hưởng của đại dịch.
Theo khảo sát, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đạt 352%, tăng đến 98 điểm % so với cùng kỳ, cao nhất ngành. Điều này cho thấy chiến lược thận trọng của Vietcombank, tỷ lệ phủ nợ xấu cao giúp Vietcombank linh hoạt hơn trong việc giảm trích lập dự phòng và từ đó có thể tăng thu nhập trong giai đoạn 2021-2022 mà không làm giảm chất lượng tài sản. Trong khi đó, ACB đã thay thế Techcombank để xếp vị trí thứ 2, theo sau đó là MB. Nhóm chuyên gia cho biết Techcombank, MB và ACB cũng là những ngân hàng đang theo đuổi chiến lược thận trọng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao.
Tháng 8, nhiều ngân hàng đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tại một số kỳ hạn. Trong nhóm các ngân hàng quốc doanh, BIDV và Agribank là hai ngân hàng có sự điều chỉnh lãi suất tại kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng với mức giảm 0,1 điểm % về 5,5%/năm, bằng với Vietcombank và thấp hơn 0,1 điểm % so với VietinBank.
Trong khi đó hai “ông lớn” còn lại là VietinBank và Vietcombank vẫn giữ nguyên biểu lãi suất của mình. Tại nhóm các ngân hàng cổ phần, số lượng ngân hàng giảm lãi suất tại các kỳ hạn nhiều hơn và mức giảm cũng mạnh hơn dao động từ 0,2 đến 0,8 điểm %. Mới đây nhất, ngày 26/8, Eximbank đã ra thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân. Theo đó, lãi suất của ngân hàng loạt điều chỉnh giảm 0,2%/năm cho mỗi kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
Chẳng hạn, lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy cho kỳ hạn 15 tháng đến 36 tháng chỉ còn 6,1%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất gửi tại quầy cũng giảm xuống còn 5,9%/năm. Tại TPBank, biểu lãi suất tiết kiệm áp dụng từ ngày 16/8, ghi nhận giảm mạnh so với đầu tháng. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng và 36 tháng đều giảm mạnh 0,8 điểm % xuống còn 6%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng giảm 0,6 điểm % xuống còn 3,2%/năm. Lãi xuất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5% điểm % xuống còn 5,7%/năm. Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng đang là 6,15%/năm, giảm đến 0,75%/năm so với đầu tháng 8.
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm xáo trộn gần như toàn bộ hoạt động của nền kinh tế trong nước. Sự bùng dịch mạnh mẽ tại các địa phương trọng điểm kinh tế phía Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục thống kê (GSO), 85.500 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng qua. Riêng TP HCM chiếm đến 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui.
Trong khi đó, những doanh nghiệp tiếp tục hoạt động phải gánh chịu thêm nhiều chi phí trong khi triển khai phương thức “3 tại chỗ,” “một cung đường 2 điểm đến” và phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức ăn ở, sinh hoạt cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đã gửi đề xuất tới các ngân hàng đề nghị giãn, hoãn nợ và giảm lãi suất từ 3 – 5%. Mặc dù hiểu rằng bất kỳ một chính sách cứu cánh nào cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về chi phí, thanh khoản nhưng giảm lãi suất có thực sự là mấu chốt trong bài toán hoạt động hiện nay của các doanh nghiệp?
Giảm lãi suất hay cơ cấu lại nợ giúp giảm áp lực trả nợ trong thời gian ngắn hạn nhưng nếu doanh nghiệp cứ phải tạm dừng hoạt động, không có nguồn thu trong khi vẫn phải trả nhiều loại chi phí như thuê nhà, trả lương,… thì có thể kéo dài được bao lâu?
Nhật Hạ