Cùng với đề xuất giãn, hoãn, tái cơ cấu các khoản nợ, các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất hệ thống ngân hàng mở rộng đối tượng và giảm lãi suất xuống mức thấp hơn nữa, về khoảng 5-7% – tương ứng kỳ ngắn hạn và trung, dài hạn.
Chính phủ cần thiết kế chính sách theo hướng chọn ra các doanh nghiệp có khả năng sốt sót, sẽ tăng trưởng mạnh sau dịch để hỗ trợ. Trong mối quan hệ tín dụng, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cần mức lãi suất thấp để tồn tại.
Trước việc bất động sản không nằm trong nhóm được giảm lãi suất do tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã lên tiếng mong muốn được đối xử công bằng với các ngành nghề khác.
Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng họ cũng chịu tác động từ dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và dòng tiền dẫn đến không đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản vay đến hạn. Bất động sản cũng là lĩnh vực trọng yếu đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và tác động đến hơn 200 ngành nghề liên quan. Vì vậy, việc áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất loại trừ bất động sản là chưa công bằng.
Thực tế do đợt dịch lần này kéo dài, gần như tất cả các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn rất lớn. Từ suốt quý 2/2021 đến nay, doanh nghiệp bất động sản bán hàng khó khăn, không có doanh thu, dòng tiền sụt giảm mạnh, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động bộ máy, chi phí nhân sự, dự án, mặt bằng, vay ngân hàng vẫn phải trả… Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ từ giãn, giảm nợ hoặc lãi vay thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá ở thời điểm hiện tại không còn dư địa để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bất động sản.
Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 tới đời sống người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt hơn trong các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất thực chất, tăng cường giám sát để chắc chắn các ngân hàng thực hiện đúng cam kết; tiếp tục triển khai kế hoạch giãn, hoãn, tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn.
Nhiều ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là những lĩnh vực chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh như du lịch, vận tải, khách sạn, ăn uống hay xuất nhập khẩu và doanh nghiệp nằm trong vùng đang giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ với mức giảm từ 1-2,5%. Đây là đợt giảm lãi suất lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của hầu hết các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, như vậy là vẫn chưa đủ cả về diện và chất.
Mới đây, nhiều ngân hàng thông báo tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hiện hữu và cho vay mới với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đáng chú ý, đợt giảm lãi suất cho vay này tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.
Trong đó, đáng chú ý là các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 (nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước) tiếp tục thực hiện giảm lãi suất và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi. Cụ thể, Vietcombank thông báo giảm lãi suất cho vay từ 18/8 đến hết 31/12/2021 với tất cả doanh nghiệp và cá nhân bị tác động bởi Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phía Nam, với mức giảm 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP.HCM và Bình Dương và 0,3%/năm với các khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam khác giãn cách xã hội. Tương tự, VietinBank triển khai thêm gói tín dụng lãi suất từ 4%/năm, với quy mô 20.000 tỷ đồng, cho các DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nâng tổng quy mô tất cả gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150.000 tỷ.
BIDV cũng dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay các doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Nhà băng này giảm thêm 0,5-1,5 điểm %/năm lãi suất cho vay VNĐ đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7; đồng thời tung gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn 1,5 điểm %. Dự kiến, thu nhập lãi của BIDV giảm khoảng 200 tỷ đồng. Agribank cũng giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021. Chương trình này sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2021.
Không chỉ các ngân hàng cổ phần Nhà nước, hàng loạt ngân hàng tư nhân cũng tham gia giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ khách hàng.
Tĩnh Kiên