Mặc dù gần đây, hàng loạt ngân hàng rầm rộ công bố giảm lãi suất cho vay, nhiều doanh nghiệp bất động sản rất cần cấp cứu, song chưa nhận được sự hỗ trợ.
Với việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, các dự án bất động sản phải tạm dừng, nhà không bán được, vốn không thể huy động được…, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh kẹt vốn, nguy cơ mất thanh khoản. Nhiều doanh nghiệp phải “vay nóng” để trả lương nhân viên, trả lãi ngân hàng, duy trì hoạt động tối thiểu.
Theo thông tin của một số doanh nghiệp bất động sản, dịch bệnh xảy ra khiến hoạt động bán hàng và triển khai dự án của doanh nghiệp đình trệ. Thậm chí, nhiều khách hàng đã đặt cọc mua nhà, nhưng nay không có thu nhập nên đã chấp nhận bỏ cọc hoặc chịu phí phạt để trả nhà, khiến doanh nghiệp bị đứt dòng tiền, không có nguồn thu trả nợ ngân hàng, không đủ điều kiện vay mới. Khi liên hệ ngân hàng đề nghị giãn nợ, giảm lãi, cấp tín dụng mới, doanh nghiệp được phía ngân hàng thông tin là chỉ cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên, khách hàng cá nhân và khách hàng thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Phủ nhận chuyện gạt doanh nghiệp bất động sản ra khỏi đối tượng hỗ trợ, phó giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay, mỗi ngân hàng có hàng triệu khách vay. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, ngân hàng không thể hỗ trợ tất cả khách hàng, mà phải đưa ra thứ tự ưu tiên. Nếu hỗ trợ hết đối tượng ưu tiên mà ngân sách vẫn còn dư, thì mới có thể hỗ trợ lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản. Theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như không có khả năng trả đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19; có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định… thì được tổ chức tín dụng xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngân hàng Nhà nước không quy định lĩnh vực cụ thể được cơ cấu nợ, mà việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước với hai đề xuất đáng lưu ý. Thứ nhất, cho phép ngân hàng cơ cấu nợ (áp dụng Thông tư 03/2021/TT-NHNN) với cả doanh nghiệp bất động sản. Thứ hai, giảm thêm 2% lãi suất cho vay với khách hàng.
“Phía ngân hàng cho biết, bất động sản là lĩnh vực đầu cơ, rủi ro, nên không nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ. Đây là điều rất vô lý, bất động sản đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP, góp phần không nhỏ tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng, song khi doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, thì ngân hàng lại từ chối hỗ trợ vì bị coi là đầu cơ”, tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản bức xúc.
Cương Nguyễn