Tính riêng giao dich khớp lệnh thì khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 250 tỷ đồng. Trong đó, họ rút ròng 14/18 ngành. Các mã bị khối này xả chủ yếu thuộc nhóm ngân hàng với 6/10 cổ phiếu trong top bị bán ròng mạnh nhất.
Tại chiều mua ròng, cổ phiếu dịch vụ tài chính với đại diện là nhóm chứng khoán được tự doanh rót tiền mạnh nhất với giá trị 177,5 tỷ đồng. Đây cũng là ngành được khối tự doanh gom ròng nhiều nhất trong tuần trước đó.
Mặt khác, tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng nhóm bán lẻ (67,3 tỷ đồng) và bất động sản (8,1 tỷ đồng). Dễ thấy, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc không còn nằm trong danh mục ưu tiên xuống tiền của tự doanh khi giá trị vào ròng giảm mạnh.
Cổ phiếu của các nhà băng chịu áp lực rút vốn lớn nhất từ khối tự doanh tuần qua. Theo đó trong Top10 mã bị nhóm này bán ròng có tới 6 đại diện thuộc ngành ngân hàng. Cổ phiếu CTG của VietinBank chịu áp lực xả mạnh nhất từ tự doanh với giá trị 106,9 tỷ đồng. Trong báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam, các nhà phân tích lưu ý rằng diễn biến dịch COVID-19 tại thời điểm hiện tại có thể ảnh hưởng đến chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của VietinBank. Mức trích lập dự phòng được đưa ra dựa trên kịch bản dịch bệnh được kiểm soát trong quý IV.
Trở lại với giao dịch của khối tự doanh, nhóm này cũng rút ròng trên trăm tỷ đồng cổ phiếu MBB. Ngoài ra, dòng vốn tự doanh còn rút khỏi VPB (95,5 tỷ đồng), STB (44,3 tỷ đồng), BID (43 tỷ đồng) và TCB (41,8 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khối tự doanh còn bán ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (76,7 tỷ đồng), DXG (50,4 tỷ đồng), NKG (45,1 tỷ đồng) và FPT (33,1 tỷ đồng).
Bên phía bán ròng, cổ phiếu của các nhà băng chịu áp lực xả mạnh nhất từ khối tự doanh. Về giá trị cụ thể, khối này rút ròng 261,2 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Như vậy, đã có sự thay đổi vị thế của khối tự doanh tại nhóm ngân hàng do tuần trước đó họ thực hiện giải ngân 123 tỷ đồng. Cùng chiều, khối tự doanh chuyển hướng chốt lời nhóm tài nguyên cơ bản (81 tỷ) và thực phẩm đồ uống (42,8 tỷ đồng).
Giao dịch cụ thể theo từng mã, chứng chỉ quỹ FUEVFVND tiếp tục dẫn đầu về giá trị mua ròng trong tuần qua với hơn 218,4 tỷ đồng. Như vậy, đã ba tuần liên tiếp chứng chỉ quỹ của quỹ hoán đổi danh mục ETF VFMVN DIAMOND đứng vị trí đầu bảng trong danh mục gom ròng của khối tự doanh với tổng giá trị hơn 700 tỷ đồng. Tại thị trường cổ phiếu, khối tự doanh tập trung giải ngân cho MWG (66,5 tỷ đồng), VHM (50,4 tỷ đồng), VIC (25 tỷ đồng), SSI (22,3 tỷ đồng, VRE (14,7 tỷ đồng), AGG (12,8 tỷ đồng). Dòng vốn tự doanh cũng tìm đến các mã HCM, VCI và KDH với giá trị thấp hơn.
Gần đây, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra dự báo về việc KDH đồng thời được VNM ETF và FTSE ETF thêm mới kỳ cơ cấu quý III. Cụ thể, theo nhận định của công ty chứng khoán, KDH được bổ sung vào danh mục quỹ VNM ETF do đáp ứng tiêu chuẩn về thanh khoản và giá trị vốn hoá. Tương tự, mã này cũng sẽ được FTSE ETF thêm mới trong kỳ cơ cấu tới đây do đáp ứng đủ các tiêu chí của quỹ.
VN Index ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Trong phiên đầu tuần (23/8), chỉ số sàn HOSE dễ dàng để mất mốc 1.300 điểm và giao dịch dưới mốc này trong hầu hết thời gian giao dịch phiên tiếp theo (24/8). Trong ba phiên còn lại (25 – 27/8), VN-Index hồi phục nhẹ và lấy lại mốc 1.300 điểm.
Dù đã có những thời điểm áp lực bán gia tăng khiến VN-Index lình xình không rõ xu hướng, việc phe mua chiếm ưu thế trong phiên thứ Sáu đã giúp chỉ số bứt phá khỏi vùng 1.300 điểm. VN-Index đóng cửa tuần mất 16,23 điểm, tương đương 1,22% và dừng ở mức 1.313,2 điểm. Về thanh khoản, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên HOSE đạt 20.888 tỷ đồng, giảm 25,8% so với tuần trước đó khi thanh khoản tăng kỷ lục. Theo ghi nhận, hầu hết cổ phiếu vốn hóa lớn đều chịu áp lực điều chỉnh trong tuần vừa qua, đặc biệt là nhóm ngân hàng và ‘họ Vingroup’. Trong khi đó, dòng tiền hướng đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ để tìm kiếm cơ hội ngắn hạn.
Trong tuần 23 – 27/8, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng nhưng quy mô thu hẹp chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhật Hạ