Dịch bệnh cản trở việc đi lại khiến các khách hàng khó tham quan, tìm hiểu sản phẩm dự án; các chủ đầu tư khó “tung hàng” mới khiến nguồn cung trên thị trường cũng khan hiếm hơn. Một số đất nền được khách hàng nhờ rao bán cũng chững lại dù trước đó liên tục có người săn lùng.
Những trầm lắng hiện tại chỉ mang tính nhất thời, do hoàn cảnh tác động, điều quan trọng nhất là thị trường luôn luôn có nhu cầu về nhà ở. Do đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường vẫn phát triển tốt, không có “bong bóng” như giai đoạn 2007 – 2010 bởi các chính sách thuế, tài khóa, quy hoạch… đều được kiểm soát tốt.
Dù người mua để ở hay để đầu tư cũng bị ảnh hưởng vì nguồn thu nhập bị giảm sút, thậm chí là đứt gãy. Hiện tại, thị trường chưa có những chính sách hỗ trợ các khoản lãi phải trả cho những người đang mua bất động sản có sử dụng vay vốn ngân hàng. Ngay cả những người có tiềm lực tài chính cũng đang rất thận trọng trong việc quyết định mua bất động sản.
Mặt khác, sức mua trên thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) cũng rất trì trệ, tâm lý chung hiện nay là quan sát, chờ đợi. Chỉ một số ít người có tiềm lực mạnh về tài chính, họ có thể lựa chọn những sản phẩm dự án thuộc phân khúc phù hợp để đầu tư lâu dài. Nhưng số ít này không thể đại diện cho toàn thị trường.
Báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam về thị trường TP HCM và các tỉnh giáp ranh (Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) trong tháng 7 ghi nhận nhiều điểm “trầm” ở các phân khúc. Thị trường đất nền không ghi nhận nguồn cung mới được mở bán trong tháng. Đây là lần đầu tiên, TP HCM và các tỉnh giáp ranh thiếu vắng nguồn cung mới ở phân khúc đất nền, sức mua chung toàn thị trường cũng giảm đáng kể. Thị trường biệt thự/nhà phố cũng chung tình cảnh ảm đạm tương tự. Nhiều địa phương như TP HCM, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu không có nguồn cung mới. Nhiều chủ đầu tư phải thay đổi kế hoạch bán hàng, lùi thời gian giới thiệu sản phẩm để phù hợp với lệnh giãn cách xã hội.
Với thị trường căn hộ, nguồn cung có sự phục hồi nhưng vẫn thấp hơn nhiều cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh phức tạp cũng việc áp dụng các chỉ thị giãn cách gây sức ép lên nguồn cung lẫn tỷ lệ tiêu thụ dự án mới. Trong đó, TP HCM chỉ có 2 dự án mở bán mới với 430 căn, giảm 87% cùng kỳ năm trước; sức tiêu thụ giảm 90%.
Theo báo cáo về số lượng dự án nhà ở thương mại trong cả nước được cấp phép trong quý 2 năm nay mà Bộ Xây dựng vừa thông tin, cả nước có 69 dự án với 27.462 căn được cấp phép, chỉ bằng 73% so với quý 1 và bằng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 37 dự án ở miền Bắc, 9 dự án ở miền Trung; 23 dự án ở miền Nam. Bộ Xây dựng cũng thống kê có 1.119 dự án nhà ở thương mại với hơn 352.000 căn đang xây dựng. Con số này bằng 81% so với quý trước và 79% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tại miền Bắc có 236 dự án, miền Trung có 163 dự án, và miền Nam có 720 dự án.
Cả nước chỉ có 34 dự án với hơn 2.800 căn xây dựng hoàn thành, số lượng này chỉ bằng 83% so với quý trước và 47% so với cùng kỳ năm 2020. Tại miền Bắc có 26 dự án, miền Trung có 7 dự án, và miền Nam có 14 dự án. Về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 2 chỉ có 3 dự án với hơn 1.700 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hoá và Lạng Sơn. Có 5 dự án với hơn 1.800 căn hộ tại Hoà Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên và An Giang được Sở Xây dựng các tỉnh có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong quý 2, cả nước có 2 dự án nhà ở xã hội với 264 căn đã hoàn thành tại Phú Thọ và Long An. Về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp lưu trú, cả nước có 5 dự án mới với hơn 4.800 căn hộ du lịch, 270 biệt thự du lịch.
Hơn một năm qua, dịch bệnh COVID-19 xẩy ra đã đảo lộn mọi mặt đời sống, xã hội và các hoạt động kinh tế. Trong vòng quay của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp bất động sản) đã phải thay đổi chiến thuật kinh doanh, gần như rút vào hoạt động cầm chừng để vượt qua khó khăn, duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 trở lại đây, dịch bệnh bùng phát trở lại lần thứ 4 khiến nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động trong nền kinh tế bị gián đoạn, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn, thậm chí không cầm cự nổi…
Song trong cuộc thử thách và có tính sàng lọc này, khi COVID-19 đã và đang có xu hướng ảnh hưởng tiêu cực kéo dài, vẫn có những doanh nghiệp trụ vững và phát triển nhờ kế hoạch kinh doanh hợp lý trong đại dịch.
Cương Nguyễn