10 năm trước, lúc thời điểm thị trường sốt nóng, người người, nhà nhà đổ xô vào đầu tư đất. Thì chỉ trong chốc lát, khi Nghị quyết số 11 về yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản của Chính phủ, dấu hiệu của sự đổ vỡ đã bắt đầu nhen nhóm xuất hiện.
Nhìn vào hiện tại, biến số Covid-19 đã làm thay đổi mọi sự đoán định. Ngay cả nền kinh tế nói chung cũng đối mặt với sự giảm sút về các chỉ số. Nền kinh tế bị đe doạ thì tất yếu bất động sản khó nằm ngoài tác động của bức tranh chung.
Một nhà đầu tư từng đi qua những cơn sốt điên đảo, cũng từng là người chứng kiến lần lao dốc không phanh của thị trường địa ốc vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của “đại gia” địa ốc có hàng chục tỷ trong tay phải sống lay lắt.
Những nhà đầu tư từng sở hữu tiền tỷ, mua đi – bán lại như cơm bữa đứng trước nghịch cảnh làn sóng bán tháo hàng loạt nở rộ. Giá bất động sản bắt đầu lao dốc, “bay” tới 50% giá trị. Từ “đại gia” hoá thành người tay trắng với khoản nợ tiền hàng chục tỷ đồng là không phải là trường hợp hiếm gặp. Và thực tế cũng không ít “đại gia” khuynh gia bại sản vì bất động sản. 10 năm sau, thị trường bất động sản địa ốc đang gần như “đóng băng” bởi dịch bệnh và chính sách giãn cách. Tuy vậy, với các chuyên gia, thị trường địa ốc sẽ khó lặp lại kịch bản của giai đoạn 2011-2013 bởi thị trường bất động sản của hiện tại niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn trong khi giai đoạn 2011-2013 đã mất.
Nhiều nhận định cho rằng, loại hình BĐS này đang kiệt sức vì dịch. Nếu các đợt trước, khách sạn chưa diễn ra tình trạng bán tháo, bán lỗ, hoặc có thì diễn ra ở phạm vi hẹp, thì lần này làn sóng bán tháo rầm rộ hơn. Dịch Covid-19 bùng phát cùng với sự siết chặt quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương khiến giá đất tại nhiều khu vực giảm trở lại và đây là cơ hội cho nhà đầu tư có sẵn tiền.
Cũng theo nhà đầu tư này, nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối năm thì nhiều nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn, sóng cắt lỗ có thể sẽ mạnh hơn so với lúc này. Do đó, quý IV/2021 được dự báo sẽ là thời điểm dân đầu tư bất động sản đẩy mạnh việc mua vào, đón lõng những sản phẩm có giá giảm sâu.
Nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng trong các quyết định, bởi bất động sản đang trong vùng giá nhiễu, nhiều khu vực xa trung tâm đã tăng giá quá nhiều trong 3 năm qua nhưng cơ sở hạ tầng lại không theo kịp, nên giá khó có thể tăng thêm.
Hơn nữa, nhiều người đầu tư vào đất nông nghiệp và nhà vườn nghỉ dưỡng, nhưng không lường trước được dịch bệnh kéo dài, dẫn đến gặp khó trong việc duy trì nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Hay với phân khúc căn hộ, nhiều dự án cũng bị đẩy giá lên cao, trong khi vị trí, thế đất chưa tương xứng…, khiến nhà đầu tư khó “thoát hàng”.
Cương Nguyễn