Thị trường đã xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, chịu áp lực về lãi vay, họ chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán hoặc giảm một phần lợi nhuận để thu hồi dòng vốn.
Nguyên nhân là bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Những nhà đầu tư mới bén duyên với lĩnh vực này trong thời gian ngắn, hoặc bắt trend dịch chuyển dòng tiền từ các kênh khác nhau về bất động sản, trong đó chứng khoán và ngoại tệ chiếm số lượng lớn. Vì nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam bị thu hẹp hoạt động vì Covid-19 nên họ chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, bản chất chính là muốn đầu tư ngắn hạn, sinh lợi cao và nhanh khi hết dịch Covid-19 sẽ quay về thị trường cũ.
Dữ liệu từ một số đơn vị cho thấy, chỉ số mức độ quan tâm bất động sản tăng cao nhất trong lịch sử hơn 10 năm qua. Số lượng nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường bất động sản gia tăng đáng kể. Những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường họ thường có ít kiến thức và thông tin về ngành nghề bất động sản. Cùng với đó, hành trang vào nghề gồm có ít vốn và xuống tiền đầu tư theo kiểu niềm tin, dễ bị tác động giữa đám đông và hay mắc lỗi tính thời điểm không phù hợp. Khi nhận ra nguy hiểm thì nhà đầu tư F0 thường tìm cách cắt lỗ, tháo chạy.
Không khó bắt gặp những dòng rao bán BĐS trên các trang mua bán nhà, đất với nội dung như “chính chủ cần tiền bán gấp, bán cắt lỗ, giảm giá bán rẻ, bán nhanh…”. Dịch bệnh kéo dài khiến thu nhập người dân suy giảm. Kéo theo đó, nhu cầu chi tiêu giảm nên giá bán cũng chịu áp lực giảm. Tại một số thị trường, tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Phân khúc đất nền và nhà liền kề đã xuất hiện tình trạng rao bán cắt lỗ, giảm giá. Một số sản phẩm cao cấp cũng có dấu hiệu giảm giá thông qua việc đưa chính sách khuyến mãi lớn và tặng quà khủng.
Ngoài nguyên nhân do nhà đầu tư bị áp lực tài chính một phần do thị trường phát triển không cân đối. Nhà ở bình dân thiếu trầm trọng, trong khi lượng hàng ở phân khúc trung, cao cấp thừa nhiều trong thời gian dài. Giới đầu tư ôm hàng chung cư lâu sẽ dễ mất giá, sốt ruột nên muốn bán để giữ an toàn dòng vốn.
Khu vực Thành phố Thủ Đức hiện nay mặt bằng giá bán vẫn neo rất cao từ sau cơn sốt thành lập thành phố mới. Tuy nhiên, kể từ sau khi đại dịch bùng phát đợt mới đây và kéo dài tình trạng giãn cách xã hội, trên các trang rao bán bất động sản hay các sàn giao dịch bắt đầu có những nhà đầu tư đăng thông tin bán chung cư hay nhà phố dự án với mức giá giảm nhiều hơn so với đầu năm.
Các chuyên gia bất động sản cho hay, có nhiều lý do khiến chủ nhà phải bán cắt lỗ căn hộ nhưng nhiều nhất vẫn là không đủ tài chính để tiếp tục duy trì thanh toán cho chủ đầu tư. Nhiều người kẹt tiền hoặc không muốn vay ngân hàng sẽ phải chấp nhận bán hòa vốn, thậm chí chịu lỗ. Với một khoản đầu tư mà bỏ ra hơn cả tỉ trong 1-2 năm mà không thu được đồng lời nào thì rõ ràng chính là đầu tư lỗ vốn.
Tĩnh Kiên