Trên thị trường chứng khoán, bất động sản (cùng với ngân hàng) – nhóm ngành có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các quỹ đầu tư.
Đây cũng là hai nhóm ngành đã và đang dẫn dắt thị trường và dự báo còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng. Không khó để nhận ra các giao dịch và các khoản đầu tư lớn trong danh mục của các quỹ cũng tập trung tỷ trọng lớn ở hai nhóm ngành này.
Bất động sản và tài chính – ngân hàng là hai ngành có mức vốn hóa lớn nhất, trung bình chiếm 27% và 30% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE. Trong khi dư địa tăng trưởng của ngành ngân hàng giảm, ngành BĐS có thể đóng vai trò dẫn dắt sự vận động của thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm 2021, với 3 lý do chính. Một là, cuối năm thường là thời điểm ghi nhận doanh thu của các doanh nghiệp BĐS. Hai là, ngành này đang được hưởng lợi từ lãi suất thấp và chu kỳ tăng giá BĐS. Ba là, chủ trương đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn cuối năm sẽ giúp nhóm cổ phiếu thượng nguồn như BĐS và vật liệu xây dựng được hưởng lợi.
Theo dự báo của các chuyên gia, nhóm cổ phiếu BĐS chưa tăng giá nhiều so với đầu năm và không gặp áp lực nguồn cung lớn. Với thực trạng nguồn cung nội đô khan hiếm, nhóm bất động sản nhà ở, đặc biệt các doanh nghiệp có dự án tại vùng ven kết nối thuận lợi vào trung tâm như VHM, NVL, DXG, DIG, NLG, AGG… được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm. Nhìn chung, các chuyên gia vẫn đánh giá cao tiềm năng dài hạn của nhóm cổ phiếu bất động sản, nhưng khó có thể xem đây là lựa chọn tốt nhất, bởi cơ hội không chia đều cho tất cả. Thực tế, ở nhóm ngành nào cũng có những doanh nghiệp tốt và chưa tốt, quyết định đầu tư hay không đều phụ thuộc vào “khẩu vị” rủi ro và sự hiểu biết về doanh nghiệp đó của mỗi nhà đầu tư.
Nhiều công ty BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán đều công bố lợi nhuận quý 2/2021 tăng mạnh, đạt hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái. Ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, kết quả kinh doanh này của các doanh nghiệp BĐS cho thấy cổ phiếu BĐS vẫn còn là khẩu vị được nhà đầu tư, quỹ đầu tư ưa thích.
Nhìn vào một vài thương vụ đầu tư của các quỹ đầu tư vào cổ phiếu của công ty BĐS để thấy, họ không bỏ lỡ cơ hội ở “gom” cổ phiếu BĐS. Quỹ của VinaCapital cũng trở thành cổ đông lớn của Đất Xanh Service. Được biết, Tập đoàn VinaCapital đã từng đầu tư vào rất nhiều công ty ngay trước thềm niêm yết, không ít trong số đó nay đã trở thành những doanh nghiệp có vốn hoá tỉ đô, hay trở thành cổ phiếu ‘quốc dân’ như: HPG, NVL, KDH, VJC, HDB… Lần này với DXS, đại diện VinaCapital cũng kỳ vọng công ty này sẽ đạt mức vốn hóa tỉ đô trong khoảng 3 – 5 năm tới. Quỹ này tỏ ra lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2021.
Cũng theo CIO của VinaCapital, với mặt bằng lãi suất thấp, dòng tiền từ nhà đầu tư có dấu hiệu chuyển dịch từ tiền gửi sang bất động sản. Do đó, quỹ này cho rằng các công ty bất động sản uy tín với quỹ đất sạch lớn ở gần trung tâm Tp.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận đồng thời có khả năng thực thi dự án tốt như VHM, NVL, KDH, NLG, DXG, AGG… sẽ hưởng lợi và tăng trưởng khả quan. VinaCapital, DXS là một trong những công ty đầu ngành với hệ thống phân phối và lực lượng nhân viên kinh doanh trên khắp cả nước, cơ sở dữ liệu khách hàng lớn, cũng như có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt trong các năm gần đây. Bên cạnh đầu tư tài chính, quỹ này mong muốn được đồng hành cùng ban lãnh đạo và hỗ trợ công ty trong việc thực hiện các chiến lược và kế hoạch kinh doanh đề ra, hướng tới mục tiêu đưa DXS trở thành doanh nghiệp được định giá trên 1 tỉ USD trong 3-5 năm tới.
Trong top 10 cổ phiếu thuộc các nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý, còn có 3 tên tuổi lớn ở lĩnh vực BĐS là VIC, VHM, NVL (3 ông lớn này cũng có nhiều tổ chức nước ngoài trong cơ cấu cổ đông lớn). Vài năm trước đó, danh mục đầu tư của nhóm quỹ Dragon Capital đa phần là những chủ đầu tư BĐS ở khu vực phía Nam như Khang Điền, Đất Xanh, Becamex IDC, DIC Group, Hải Phát…
Nhật Hạ